Một tổ chức có tồn tại được hay không, không phải là do có mấy anh mật vụ nằm vùng phá hoại nổi, mà là do triết lý khởi nguyên của tổ chức đó trung thực hay không, và có hoạt lực mạnh đến đâu. Xây nhà trên cát, người thợ xây tài hoa khéo tay đến mấy rồi khi gió mưa kéo đến cũng sẽ sập. Kể tự Văn đoàn độc lập của những Thạch Lam, cho đến Văn đoàn Việt độc lập của nhà văn Nguyên Ngọc, hết thảy coi như thất bại, đi chệch tôn chỉ ban đầu. Loa thành cứ xây lên thì nửa chừng lại sập, có phải do thợ xây bất tài? Người ta nghĩ xem vì sao lại thất bại.
Đó là do sai lầm từ nguyên lý nền móng.
Nhóm nhà văn Nguyên Ngọc- nhà thơ Hoàng Hưng mặc dù rất có lòng với đất nước, nhưng đặt nền tảng dựa vào tầng lớp trí thức Tây học nên đã thất bại. Nền chủ đạo của Việt Nam là triết lý tam tài, mà nay các ông bà giáo sư-tiến sỹ học bên Pháp về đòi đưa triết học Aristote, tổ của các loại triết học triệt tam vào Việt Nam, tức là chối bỏ triệt để thống kỷ tam tài của dân tộc, thì Văn đoàn hỏng là phải. Người đời chửi các ông bà rằng “Tiến sỹ gì mà ngu thế!” cũng không phải là vô căn cứ. Nhóm nào sinh ra sau này mà làm như Văn Việt thì tương lai của nhóm đó đã được tiên báo từ trước.
Thí dụ truyện Loa thành xây đi xây lại mãi mà vẫn không xong, hễ gần xong thì lại đổ đem áp dụng vào nền văn học nước nhà cũng thấy rất thật: Tự lối năm 1930 tới nay quang cảnh văn học nước ta cũng bày ra câu chuyện y hệ “xây đi xây lại mãi mà vẫn không xong”. Tính tự tờ Nam Phong cho tới nay đã biết bao mộng xây thành “Cổ Loa” nhưng hễ gần xong thì lại đổ. Phạm Quỳnh đổ ra làm quan. Tự lực văn đoàn đổ ra tha lực toàn cóp nhặt lãng mạn của Tây. Việt Minh xây gần xong thì đổ ở chỗ cả trí thức lẫn dân chúng bỏ chạy trốn thành, vì không phải là Cổ Loa xoáy ốc mà là thành nằm ngang chưa cần đổ đã ngột ngạt không thể ở . Các nhóm linh tinh theo Sartre, F.Sagan chưa kịp treo cờ thì đã gãy cột. Vài tên như vậy đủ để nghĩ đến biết bao nhóm khác cũng đang cố gắng xây, nhưng xây đâu đổ đấy…
Nguyên lý đúng đắn phải dựa vào triết Việt, và dựa vào tầng lớp bình dân. Truyền thuyết dạy rằng An Dương Vương phải giết con gà tinh ở núi phía Tây thì thành mới đã xây được. Cũng vậy, phải đập đổ nguyên lý triệt tam đang ở trong đầu tầng lớp trí thức Pháp để lại và áp dụng nguyên lý hòa thời của Đông phương thì tòa thành văn chương mới có thể được xây lên một cách thành công.
Vì sao Kinh Thi thành công? Đó là vì Khổng Tử góp nhặt những câu ca dao, thi phú bình dân ngắn ngủi, gãy gọn đưa thành tập, được lan truyền xa bởi độ cô đọng và phong phú như muôn dân. Vì sao Truyện Kiều thành công? Đó là bởi Nguyễn Du nằm trong ruộng dâu, nghe con gái hái dâu hát hò, ghi lại thành những vần thơ tuyệt mỹ trong Truyện Kiều, còn vang vọng mãi đến ngày hôm nay. Nguyên lý của thơ ca Đông Phương, muốn được thành tựu, phải dựa vào bình dân.
Ở Viễn Đông, “Thiên lý tại nhân tâm”, đó là một mệnh đề không cần chứng minh và không thể phản bác. Việt Nam là một xứ nhân chủ, có thuyết tam tài thiên-địa-nhân, vị trí con người bình đẳng trong trời đất. Nếu đưa thuyết duy thiên (của Công giáo La Mã ), hay đưa thuyết duy địa (của những người Marxist), hay đưa thuyết nhị nguyên của Aristote (làm nên triết học Tây Âu và khoa luận lý Tây Âu) hay thuyết vô nhị ( của Ấn Độ, của Phật giáo) vào xứ Việt Nam và cố làm cho nó trở thành nền chủ đạo của nước ta thì thảy đều là gượng ép và cuối cùng là thất bại. Kể cả các tờ báo quốc doanh hay báo tư nhân, dù được chính phủ bảo kê hay tỷ phú đài thọ, cũng sẽ đuối do không xác định được nền chủ đạo của Việt Nam là gì…Tất cả lúc ra đời được đầu tư rất mạnh, nhiều lượt đọc và hồi hộp, nhưng dần dần cũng lu mờ, là vì sai tự nguyên lý, bật rễ khỏi hồn nước cho nên đồng bào sẽ lãng quên và do đó chìm theo thời gian.
Nguyên lý của các văn đoàn như Văn đoàn Việt độc lập này là dựa vào trí thức. Trí thức không nắm thiên lý, vì trí thức chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong dân số. Hơn nữa, trí thức mỗi người một ý, lại cách xa nhau, làm sao mà thành tựu được? Một bầu cừu không người chăn ( un seul troupeau et pas de berger).
Hơn nữa, lấy tiêu chuẩn nào để phân định một kiến thức là đúng hay sai? Và do đó tiêu chuẩn nào để phán đoán một người là trí thức hay là anh mị dân? Văn Việt không nêu ra được tiêu chuẩn của các mối nhân luân. Vì vậy phong trào văn chương Việt Nam từ 2014 đến 2019 chẳng khác nào ra khơi đánh cá vùng xa bằng con thuyền thúng, không đầu tàu mũi tàu, không hoa tiêu, mặc gió thổi đến đâu thì trôi đến đấy.
Vì triết học cầu âu nên Văn Việt tặng giải thơ cho những bài thơ cà chớn, những bài thơ thuộc đợt văn nghệ, không sao lên được đợt kinh điển. Văn chương Tây Âu đã khô, như lời Nietzche nói: “Cho chó ăn nó cũng không no”.
Học theo Tây Âu làm ra mấy câu thơ hay- mấy câu văn lạ son đẹt chỉ làm cho người ta sung sướng một giờ hay dăm ba ngày, không đi được theo người ta suốt cuộc đời. Chỉ có văn chương thuộc hàng kinh điển như suối nguồn tươi trẻ mới tồn tại lâu và nuôi sống được hồn người và hướng dẫn đời sống dân Việt.
Nhà báo Lê Phú Khải-người bạn vong niên và thầy dạy báo chí của tôi- chê trách nhà văn Nguyên Ngọc. Hai bên tranh luận nhau đến mức nảy lửa, theo tôi nghĩ, đó là phe ta đánh phe mình. Triết lý khởi nguyên quyết định vận mệnh của tổ chức. Mặc dù những nhà thơ-nhà văn trong Văn đoàn Việt độc lập khá là có tài gọt đẽo ngôn từ, nhưng họ không thảo được triết lý khởi nguyên vững chắc cho nên hết lần này đến lần khác làm gì cũng hỏng, giống như việc vua An Dương Vương xây Loa Thành, cứ xây lên sắp xong rồi lại sập. Muốn xây được Loa Thành phải có Thanh giang sứ giả từ Đông phương tới giết con gà tinh thành quỷ ở núi Tây, tức là gọi triết lý Đông Phương về để chế ngự triết học triệt tam đến từ phương Tây, chỉ khi đó phong trào văn chương Việt mới có thể được thành tựu.
Biết tôi học khoa Văn học của đại học Văn khoa Sài Gòn (tôi thích gọi tên như thế, bạn bè tôi cũng vậy), nhà báo Lê Phú Khải giục tôi viết một bài. Cho nên, với tư cách là một người trẻ, tôi viết bài này để mọi người cùng suy ngẫm.
Văn đoàn Việt độc lập đang đưa văn hóa Việt Nam đi theo dòng chính của Pháp. Có thể họ không biết điều này. Hội nhà văn Việt Nam của Hữu Thỉnh và Trần Đăng Khoa đưa văn hóa Việt Nam đi theo dòng chính của Nga-sô, họ biết và công khai điều này. Nga-sô sụp đổ nên Hội nhà văn Việt Nam của Hữu Thỉnh và Trần Đăng Khoa không còn nguyên lý dẫn đường. Còn văn chương Pháp hay Tây Âu thì từ lâu đã là một thứ hổ lốn, không trọng điểm, không cứu cánh, chính những người đi du học Tây về cũng thừa nhận điều này. Hỏi Trần Đăng Khoa và Nguyễn Hữu Thỉnh rằng họ đang dẫn văn hóa Việt Nam đi đến đâu, họ sẽ trả lời rằng không biết. Hỏi nhà văn Nguyên Ngọc đang dẫn văn hóa Việt Nam đi đến đâu, ông cũng không trả lời được. “Người mà mà dắt người mù, cả hai cùng rơi xuống hố.”
Tất cả các tổ chức văn xã xuất hiện trước năm 2018 đều đã bật rễ khỏi triết Việt. Phải gọi được Thanh giang sứ giả đến mới xây nổi tòa Loa thành Văn học.
Kể cả như chương trình đào tạo ngành Văn học của đại học Văn khoa Sài Gòn cũng sai về nguyên lý. Sai về nguyên lý nên hành động sai. Tuổi thơ ấu học thuộc lòng- tuổi trung học phân tích-lên đại học thì sáng tạo, đằng này trường Văn khoa lại ép sinh viên học thuộc lòng mấy bài thơ cho những môn bắt buộc, từ đó đánh rớt những sinh viên xuất sắc nhất. Từ năm 1975 đến 2018 là 43 năm mà không xây dựng nổi ngành Triết Văn, vì thiếu những sinh viên xuất sắc có khả năng đề ra được những giả thuyết làm việc. Một khoa văn mà lấy văn nghệ- văn hóa hậu trường lên làm cùng đích, chương trình 4 năm không dạy cho sinh viên am hiểu Ngũ Kinh thì là một khoa văn thất bại, nhưng được che đậy rất khéo bởi số lượng tuyển sinh hay điểm đầu ra co giãn theo tâm lý ra đề thi của người chấm thi. Đưa văn hóa hậu trường lên làm cùng đích, nhà trường tiểu học- trung học cũng thất bại. Đứa trẻ vì nghèo nghỉ học ở lớp 7-lớp 8 không bao giờ động đến sách vở nữa. Kể cả tốt nghiệp văn khoa, nếu không học lên cao học thì sinh viên cũng không động đến cuốn sách làm gì. Nền giáo dục-đào tạo chỉ nhét mấy câu văn nghệ hạng ba, mà đâu có được dạy những câu thơ, câu văn đựng lời uyên nguyên, đúng cho mọi thời và mọi nơi, thì tự nó không gây được những cán bộ, những tông đồ trên mặt trận văn hóa.
Xin chia sẻ bài này nếu bạn đồng ý với chúng tôi, những người muốn đi theo dòng chính của triết Việt. Sắp tới, chúng tôi sẽ thành lập Trung tâm Văn bút Việt Nam, dựa trên triết Việt, dựa trên bình dân. Gỉa thuyết làm việc của chúng tôi là xây dựng ngành Triết Văn (Philo-lettres) hiện đang thiếu trong giảng đường Việt Nam. Việc thành lập Văn bút Việt Nam không hề đơn giản, bởi cần sự công nhận của một số Văn bút khác như Văn bút Anh, Văn bút Mỹ, Văn bút Đức… Đến không mời, đi không đuổi. Ai quan tâm có thể đăng ký tham gia với chúng tôi hoặc hỗ trợ chúng tôi,L. Đến nay, chúng tôi đã có được khá đông người ủng hộ và tin tưởng rằng chắc chắn sẽ thành công, bởi nguyên lý của chúng tôi là duy nhất đúng cho Việt Nam.
Xin chia sẻ bài này nếu bạn đồng ý với quan điểm của tôi.
Sài Gòn, ngày 31 tháng 07 năm 2019.
Tôn Phi ( sinh năm 1993)
Chủ tịch (lâm thời)- Trung tâm Văn bút Việt Nam
Liên lạc: tonphi40@gmail.com
Telegram, Zalo: +84344331741