Tác giả: Tôn Phi.
Liên lạc: tonphi2021@hotmail.com.
Trợ lý: tonthanck@gmail.com.
I.
盘 古
Bản chữ Nho
混 芒 之 初: Hỗn mang chi sơ
未 分 天 地: Vị phân Thiên Địa
盤 古 首 出: Bàn Cổ thủ xuất
始 判 陰 陽: Thỉ phán Âm Dương
天 開 於 子: Thiên khai ư Tý
地 闢 於 丑: Địa tịch ư Sửu
人 生 於 寅: Nhân sinh ư Dần .
Dịch nghĩa
“ Trong cảnh hỗn mang ban sơ, khi trời đất chưa phân, Ông Bàn Cổ đã xuất hiện đầu tiên.
Việc làm trước tiên của Ông là phân ra Âm / Dương.
Trời mở tung ra cung Tý,
Đất trải rộng ra cung Sửu,
Người sinh vào cung Dần.
Sách còn chép rằng một ngày ông biến đổi 9 lần, mỗi lần ông lớn lên 10 thước, thì Trời cao bấy nhiêu, Đất cũng dầy ra bấy nhiêu.
Bàn Cổ sống 18.000 năm, nên Đất cực dày, Trời cực cao, còn thân ông lớn quá xá.
Bấy giờ ông khóc, Nước Mắt chảy ra làm thành hai dòng sông Hoàng Hà và Dương Tử.
Hơi ông thở thành ra gió, ông xem xung quanh thành ra sấm chớp.
Khi ông vui tính thì trời đẹp,
Lúc ông nổi giận thì trời tối lại.
Khi ông chết,xác ông rã ra từng mảnh làm thành 5 dãy núi trong thiên hạ.
Hai con mắt làm nên mặt Trời, mặt Trăng, mỡ chảy ra hoá thành biển cả sông ngòi, tóc đâm rễ vào đất mọc lên thảo mộc. Sâu bọ trên thân xác ông làm nên loài người . ”
( Kim Định: Nhân chủ, trang 53 – 54 )
Bàn Cổ thủ xuất
“ Trong cảnh khai thiên lập địa, Ban Cổ ngang nhiên xuất hiện đầu tiên, ông Bàn Cổ xuất hiện trước tiên để dành cho mình một vị trí quan trọng, không phải vì “ tiên chiếm giả đắc ”, nhưng là dành thế thủ xuất là cốt tránh tai hoạ bị chèn ép khi ra sau.
Ông Bàn Cổ không sáng tạo ra vũ trụ, nhưng sắp xếp vũ trụ để tìm cho mình một vị trí trong Không và Thời gian, mà hành xử hầu đem lại lợi ích thực tiễn cho con Người.
Tôi ( triết gia Kim Định ) cho rằng xuất hiện sau thiên nhiên sẽ bị “ nhiên giới hoá ” hay là bị “ vật đích hoá ”, vì đến sau sẽ bị kẹp giữa hai gọng kìm:
Nếu là Thiên khởi, thì con người bị thần linh đè nặng, có nơi đã giết người để tế thần, tức là Duy Tâm.
Nếu là Địa khởi thì bị vật chất chi phối, làm nô lệ cho vật chất, tức là Duy Vật . Thế rồi Duy Tâm hay Duy vật cãi nhau: Tâm có trước hay vật có trước. Vấn đề này đã gây ra những cuộc tranh luận hàng ngàn năm mà chưa vỡ lẽ.
Kết quả là đưa lại cho nhân loại không biết bao nhiêu là thảm trạng.
Nếu là Duy Tâm thì trở thành Duy Linh, coi thân xác thế gian là kẻ thù.
Nếu là Duy Vật thì con người duy vật coi tâm linh chỉ là bèo bọt tùy phụ.
Cả hai đều quên con người cụ thể toàn diện.
Bàn Cổ không có quan tâm tới duy Tâm hay duy Vật là những vấn đề ở ngoài con người, vũ trụ có trước hay sau gì kệ nó. Hãy bàn đến cái vũ trụ khi mình xuất hiện, khi mình có tương quan với nó.
Bàn Hồ, đồ đệ của Vương Dương Minh đã nói: Thiên Địa đó là Thiên Địa của ta, và cuộc Biến hóa đó chính là cuộc biến hoá của ta, chứ không phải của vật nào khác ( Thiên địa ngã chi thiên địa, biến hoá ngã chi biến hoá, phi tha vật dã ).
Từ đấy Vũ trụ hết còn xa lạ nhưng là của con Người, con Người đã in dấu mình vào bằng cách xếp đặt và điều lý.
Ông Bàn Cổ đã nhập cảnh trần gian hết sức thần tình, như là Nhân chủ của Vũ trụ. Đó là cung cách Nhân chủ. Đây là Nhân sinh quan Nhân chủ.
Thỉ phán Âm Dương
Khi Vũ trụ còn ở trạng thái đồng nhất bất phân, tất cả hoàn vũ mênh mông và phiền tạp với muôn vàn sắc thái, ông Bàn Cổ đã thâu tóm vào một nhịp điệu “ nhất Âm, nhât Dương chi vị Đạo ”. Đạo là đường diễn tiến của Vũ trụ cũng như Nhân sinh, chỉ là một Âm, một Dương, một Tàng, một Hiển, một Ra một Vô, nhất Hạp nhất Tịch.
Dầu muôn vàn ức triệu vật loại khác nhau đều bị chi phối bởi cái luật Âm Dương này.
Biết bao nhiêu chục ngàn năm sau, khoa học vi thể mới tìm thấy vạn vật đều tạo thành bởi hai tích điện Âm và Dương chạy ngược chiều.
Ông Bàn Cổ đã dạy cho Tổ tiên chúng ta có một lối nhìn đặc biệt, nhìn sự vật với từng cặp đôi đối kháng như: Âm / Dương, Âm điện tử / Dương điện tử, Trời / Đất, Vợ /Chồng, Tình / Lý, Tâm / Vật, Đi / Đứng , Sống / Chết v. v. . .
Lối nhìn cặp đôi đối kháng này được hiện thực khắp mặt trong mọi lãnh vực của cuộc sống.
Để tạo ra thế quân bình động, Âm điện tử ( electron ) phải quay theo qũy đạo hình bầu dục, tạo ra sức Ly tâm, để cân bằng với sức Quy tâm do sức hút của tích điện Dương ( positron ) của nhân nguyên tử.
Con người cũng phải sinh hoạt làm sao cho Tình/ Lý cân đối, theo tỷ lệ “ tham thiên ( Tình : 3 ) , lưỡng địa ( Lý : 2 ) nhi ỷ số, để cho “ bên ngoài là Lý nhưng trong là Tình ” .
Đó là nét đặc trưng của Văn hoá Đông phương.
Để minh giải cho huyền thoại ông Bàn Cổ, ta trưng lên đây bài thơ của cụ Trần Cao Vân :
Trời Đất sinh Ta có ý không?
Chưa sinh Trời Đất có Ta trong
Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh
Trời Đất in Ta một chữ đồng
Đất nứt Ta ra Trời chuyển động
Ta thay Trời mở Đất mênh mông
Trời che Đất chở Ta thong thả
Trời, Đất, Ta đầy đủ Hoá công
Nhân sinh ư Dần
Dần là con cọp. Nhân sinh ư Dần, là con người có tướng tinh con cọp, con cọp tung hoành trong rừng thẳm làm sao, thì ta cũng cảm được phần nào ông Bàn Cổ sống sôi sùng sục trong không và thời gian dường ấy. Cuộc sống ông Bàn Cổ trào lên ầm ầm, sống như sóng trào dâng, sống như thác ngàn đổ, không phút nghỉ ngơi: mỗi ngày ông biến 9 lần, mỗi lần cao sâu thêm 10 thước, ông sống những 18.000 năm, thì trời cao đất dày biết mấy! Hơi thở ông thành gió, giông, cái liếc nhìn của ông tạo thành sấm chớp, hai con mắt của ông là cặp đèn trời. Năng lực của ông tràn đầy vũ trụ.
Ông Bàn Cổ sống như thế nên con người do cơ thể ông, bản chất ông tạo ra, cũng tác hành không ngưng nghỉ, lúc nào cũng là hiện tại cả, nên con người tất phải được phát triển vẹn toàn .
Đất nứt Ta ra Trời chuyển động
Ta thay Trời mở Đất mênh mông
Ta cùng tham dự vào cuộc sinh sinh hoá hoá chung để cho vũ trụ được viên thành và tiếp tục chuyển hoá. Lại nữa :
Trời Đất sinh ta có ý không
Chưa sinh Trời Đất có Ta trong
Ta sinh ra không là do ý sai khiến của Trời Đất, mà chính Ta đã hiện hữu trong Đất Trời rồi, nên không bị nạn Duy Tâm hay Duy vật. Đây là quan niệm Nhân Chủ sơ nguyên, một Nhân chủ Tác hành, Tự lực Tự cường hết cở.
Thiên khai ư Tý, Địa tịch ư Sửu, Nhân sinh ư Dần:
Trời mở ra ở cung Tý, Đất trải rộng ra ở cung Sửu, Người sinh ra ở cung Dần.
Đây là ba cung đầu dành cho Tam Tài ( Thiên, Địa, Nhân ), “ Thiên Địa dữ Ngã tịnh sinh : “Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh ” và Ta sánh vai cùng Trời Đất trong hành trình sáng tạo của vũ trụ, nên ta xứng là một ngôi của Tam Hoàng: Đó là Nhân Hoàng sánh với Thiên Hoàng và Địa Hoàng. Đây là cội rễ của thuyết Tam tài.
Ta cùng Trời Đất 3 ngôi sánh
Trời Đất in Ta một chữ đồng.
Trời Đất cùng ta đều xuất hoạt như nhau và “ Chưa sinh Trời Đất có Ta trong “, nên Ta đã nhập vào, đã hoà đồng cùng Trời Đất rồi, Ta cùng Trời Đất là một.
Trong khoa học vi thể, ta cũng biết mọi tạo vật đều được cấu tạo bằng vật chất và năng lượng
Trong sách Sáng thế ký của Thiên Chúa giáo ta cũng được biết con Người được Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, và mỗi người là một đền thờ của Thiên Chúa, nghĩa là Ta ở trong Chúa và Chúa cũng ở trong Ta. Vì vậy cho nên: Vạn vật đồng nhất thể.
Trời che Đất chở, Ta thong thả
Trời, Đất, Ta đây đủ Hoá Công.
Được Trời Đất chở che, nên Ta được thong thả mà hưởng thụ những tinh hoa, linh lực của Trời Đất, hay nói cách khác con người là linh lực, là nơi hội tụ những tinh hoa của trời đất, do đó mà người ta bảo: “ Nhân giả kỳ thiên địa chi đức “
Khi ông chết.
Xác ông làm thành 5 dãy núi ( 5 vị trí của Ngũ hành ) trong thiên hạ.
Đây là ý niệm về Ngũ Hành, về Dịch Liên Sơn ( Xuất ) và Dịch Quy Tàng ( Nhập ).
Câu chuyện Ông Ban Cố được T. G.Kim Định gọi là “Sắp Thế ký của Đông phương
II.- NHÂN VẬT HUYỀN THOẠI: NHÂN VẬT VĂN HÓA
Xuất xứ của những nhân vật Huyền thoại Việt
Những nhân vật huyền thoại tuy có nằm trong sử sách Tàu, nhưng các ngài xuất hiện trước khi nước Tàu được thành lập vả lại các ngài thuộc về Văn hoá Nông nghiệp Vìệt tộc :
Đây là nhân vật Văn hoá, nhân vật sáng tạo, không phải là nhân vật hoang đường mà các nhà Duy sử gọi là những truyện đầu Ngô mình Sở. “ Chính ra Bàn Cổ được móc nối với Lỗ Bàn, Lỗ Bộc. Bàn cũng đọc là Bàng, là Bành. Nên họ Bàn là họ rất lớn của Viêm tộc đã có ngay từ thời khai sáng của đại tộc, và cũng là Tị Tổ của ta, vì cùng họ với Bàng ( Hồng Bàng ) và Bành ( Bành Tổ ) . Bàn cũng còn đọc là Ban ( Lỗ Ban ), Bàng cũng đọc là Bang . . .
Đã vậy, lưu truyền nói là mộ phần của ông nằm đâu đó trong miền rừng núi của tỉnh Quảng Đông. Mà Quảng Đông cùng với Quảng Tây trước gọi là Lưỡng Việt. Kinh đô nước ta thời Triệu Đà còn ở đó. Nên ông Bàn Cổ là của Việt tộc từ danh xưng tới nơi an nghỉ. Đó là hình ảnh đẹp nhất về tự lực, tự cường .”
( Kim Định: Việt triết nhập môn, trang 170 )
Là nhân vật tìm ra lửa để sưởi ấm, nướng thức ăn, và để đốt rẫy mà canh tác.
Là nhân vật sáng chế ra cách làm nhà sàn ở trên cây, ở giữa không trung, trên là Trời, dưới là Đất, để tránh thú dữ. Đây là hình ảnh của Tam Tài . Hữu sào là “ có tổ “ , chim làm tổ trên cây, nên Hữu Sào thuộc dòng chim của Viêm tộc. Do đó mà ta có danh từ Tổ tiên, những người đầu tiên ở trong Tổ như chim.
Phục Hy là nhân vật văn hoá, có biệt hiệu là Thanh tinh, tức là rồng xanh, thuộc nòi Rồng Viêm tộc, Tổ tiên của Việt tộc. Phục Hy làm ra Kinh Dịch, bằng cách xếp hai nét liền đứt, nét đứt là Âm, nét liền là Dương, rồi thêm một hào Âm hay Dương nữa thành ra quẻ đơn ba vạch. Tất cả có 8 quẻ gọi là Bát quái. Thực ra, nội dung Kinh Dịch đã có từ thời Bàn Cổ. Phục Hy chỉ là đợt công thức hoá đầu tiên. Nữ Oa là vợ của Phục Hy, biết luyện đá Ngũ sắc để vá trời, hay đội đá vá trời, tức là để sửa lại Ngũ hành đã bị lệch hướng cho đúng phương vị. Nữ Oa cầm cái quy để vẽ vòng tròn, còn Phục Hy thì cầm cái củ để vẽ hình vuông. Vòng Tròn tượng trưng cho Trời, thời gian, Hình vuông tượng trưng cho Đất, không gian . . . Nữ Oa cầm cái quy quan trọng hơn, nên tiêu biểu cho nguyên lý Mẹ, thuộc văn hoá nông nghiệp . Khi chết Nữ Oa biến thành chim Tinh Vệ thuộc nòi Tiên.
Theo truyền thuyết của các dân tộc thiểu số, Thần Nông có dạng hình người đầu bò, có tên khác là Viêm Đế, biết cách biến chế thuốc men và trồng ngũ cốc, thuộc văn hoá nông nghiệp, thuộc Viêm tộc. Đây là giai đoạn quan trọng của loài người là tự làm ra của ăn, để thay thế cho giai đoạn bấp bênh hái lượm săn bắt . Trên thế giới có ba nền nông nghiệp:
1.- Lúa Mì ở Lưỡng Hà
2.- Lúa bắp ( ngô ) ở Mỹ, Astec, Maya.
3.- Lúa nước ( lúa Mễ ) ở Đông Á.
Nông nghiệp lúa Mì sớm bị du mục chinh phục qua Babylon, Assyria. Lúa Bắp bị Astec chế ngự cũng biến ra du mục. Còn lại lúa Mễ tuy cũng có pha ít lúa Mì như Mạch và Tắc, nhưng lúa Tắc không lấn át nổi lúa Mễ. Tuy nhà Châu có lập ông Hậu Tắc lên làm điền chủ thay Thần Nông,
nhưng cuối cùng thất bại. Nhà Thanh đời Khang Hi còn cho Tế Thần Nông mà không tế Hậu Tắc, tức văn hoá Mẹ vẫn thắng thế.
Những nhân vật văn hoá này xuất hiện trước thời kỳ nước Tàu được thành lập, nước Tàu lại thuộc văn hoá du mục, nên cũng dễ phân biệt, mặc dầu các nhân vật văn hoá trên đều có trong sử sách Tàu. Các nhân vật này được đem vào sử sách Tàu theo thứ tự càng cổ thì lại được đem vào sau: Thần Nông được đem vào thời Khổng Tử . . . , trong khi nhân vật cổ nhất như Bàn Cổ thì mới được Từ Chỉnh đem vào sử sách Tàu từ thời Tam Quốc . . . !
Nên khi ta tìm về các nhân vật văn hoá trên để nhận ra cội nguồn, ta khỏi cần có mặc cảm “ thấy người sang bắt quàng làm họ ”, và cũng chẳng lấy gì làm tự hào riêng, vì đây là những nhân vật văn hoá chung cho cả Đông Á. Nhưng về mặt tâm lý thì sự nhận diện lại các nhân vật văn hoá Tổ tiên xưa giúp ta biết trân quý những di sản văn hoá cha ông, vững lòng noi theo và làm phát huy truyền thống tốt đẹp đó.
Tóm lại:
Truyện Bàn Cổ là cội rễ của nền văn hoá Đông phương, thuộc nền Văn hoá Nông nghiệp Hoà Bình. Nó hàm chứa một Nhân sinh quan Nhân chủ và một Vũ trụ quan động. “
Nguồn gốc các nhân vật Huyền sử
( Gốc rễ triết Việt: Kim Định )
“ Xin coi đây là vài trưng dẫn mẫu thay cho hàng ngàn tang chứng khác đã thu lượm qua hàng trăm sách nghiên cứu cách nghiêm túc để khỏi quấy rầy độc giả phải đọc thêm nhiều trưng dẫn khác. Chỉ cần tóm lược rằng tất cả các chứng từ đó đều đưa đến kết luận chung là Tàu cùng một chủng tộc, cùng Văn hoá với đại chủng Việt, và mới tách ra từ tộc Thương ( Hoàng Đế do đạo Lão đặt ra sau . Need. I. 189 ) , nhưng ngoài vài thói tục riêng ( cờ Bạch hổ, đi xe ngựa ), thì Văn hoá hoàn toàn Di, cả đến bà Giản Địch sinh ra tộc Thương cùng sinh đẻ theo lối Di là “ nuốt trứng chim “ Trống quân. Như vậy các Tổ trước gặp trong sách được cho là Tàu vừa trái khoắy lịch sử ( anachronisme ), vừa mâu thuẫn, thí dụ: Nghiêu Thuấn mới có trong sử sau Khổng Tử. Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông toàn là người Di. Phục Hy cũng gọi là Thanh tinh: rồng xanh ( Rồng là Di ). Nữ Oa đầu người mình rắn ( Di ) . Thần Nông cao 8 thước 7 tấc, tức trừ 5 thì ra con số 2 – 3 của Di. Vì thế không được nhắc đến trong Kinh Thư, chỉ mới được đưa vào sau theo lối riêng, càng cổ thì càng được đưa vào muộn, thí dụ: Bàn Cổ lâu nhất vì mở đầu lịch sử toàn vùng thì mới được đưa vào đời Tam Quốc, do Từ Chỉnh trong cuốn “ Tam Ngũ Lược Kỷ “ . Bàn là họ đứng đầu người Việt Đông ( Origines 459 ) . Theo lưu truyền thì mồ mả còn đâu đó trên rừng núi Quảng Đông . Vậy Bàn Cổ là Tổ họ khai quốc năm 2879 BC. Bàng cũng đọc là Bành ( Bàng Tổ ) , là Bàn, là Ban, Man, Mân, Môn, Mana, Mã Lai, Mongol. . . đều tự Bàn Cổ mà ra, chỉ có cách đọc là khác. Đây mới là liên hệ tên, chứ nếu kể đến liên hệ Văn hoá thì toàn cõi Đông Á không đâu ra khỏi đại chủng Việt “.
Khi xem Sáng Thế Ký của Kitô giáo ở Tây phương, chúng ta thấy Sắp Thế ký cũng có một số điểm tương tự .
THam khảo
SÁNG THẾ KÝ ( CỰU ƯỚC )
CHƯƠNG MỘT
1Ban đầu Ðức Chúa Trời dựng nên Trời Đất.
2 Vả, Đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần Ðức Chúa Trời vận hành trên mặt nước. ( Hỏa /Thuỷ )
3 Ðức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng; thì có sự sáng.
4 Ðức Chúa Trời thấy sự sáng là tốt lành, bèn phân Sáng ra cùng Tối. ( Phân cực )
5 Ðức Chúa Trời đặt tên sự sáng là Ngày; sự tối là Đêm. Vậy, có buổi Chiều và buổi Mai; ấy là ngày thứ nhứt.
6 Ðức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có một khoảng không ở giữa nước đặng phân rẽ nước cách với nước.
7 Ngài làm nên khoảng không, phân rẽ nước ở dưới khoảng không cách với nước ở trên khoảng không; thì có như vậy.
8 Ðức Chúa Trời đặt tên khoảng không là Trời. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhì.
9 Ðức Chúa Trời lại phán rằng: Những nước ở dưới trời phải tụ lại một nơi, và phải có chỗ khô cạn bày ra; thì có như vậy.
10 Ðức Chúa Trời đặt tên chỗ khô cạn là Đất, còn nơi nước tụ lại là biển. Ðức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành.
11 Ðức Chúa Trời lại phán rằng: Ðất phải sanh cây cỏ; cỏ kết hột giống, cây trái kết quả, tùy theo loại mà có hột giống trong mình trên đất; thì có như vậy.
12 Ðất sanh cây cỏ: cỏ kết hột tùy theo loại, cây kết quả có hột trong mình, tùy theo loại. Ðức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành.
13 Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ ba.
14 Ðức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có các vì sáng trong khoảng không trên trời, đặng phân ra Ngày với Đêm, và dùng làm dấu để định thì tiết, ngày và năm;
15 lại dùng làm vì sáng trong khoảng không trên trời để soi xuống đất; thì có như vậy.
16 Ðức Chúa Trời làm nên hai vì sáng lớn; vì lớn hơn để cai trị ban Ngày, vì nhỏ hơn để cai trị ban Đêm; Ngài cũng làm các Ngôi sao.
17 Ðức Chúa Trời đặt các vì đó trong khoảng không trên trời, đặng soi sáng đất,
18 đặng cai trị ban ngày và ban đêm, đặng phân ra sự sáng với sự tối. Ðức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành.
19 Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ tư.
20 Ðức Chúa Trời lại phán rằng: Nước phải sanh các vật sống cho nhiều, và các loài Chim phải bay trên mặt đất trong khoảng không trên trời.
21 Ðức Chúa Trời dựng nên các loài Cá lớn, các vật sống hay động nhờ nước mà sanh nhiều ra, tùy theo loại, và các loài chim hay bay, tùy theo loại. Ðức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành.
22 Ðức Chúa Trời ban phước cho các loài đó mà phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy dưới biển; còn các loài chim hãy sanh sản trên đất cho nhiều.
23 Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ năm.
24 Ðức Chúa Trời lại phán rằng: Ðất phải sanh các vật sống tùy theo loại, tức Súc vật, Côn trùng, và thú rừng, đều tùy theo loại; thì có như vậy.
25 Ðức Chúa Trời làm nên các loài Thú rừng tùy theo loại, súc vật tùy theo loại, và các côn trùng trên đất tùy theo loại, Ðức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành.
26 Ðức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài Người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất.
27 Ðức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Ðức Chúa Trời; Ngài dựng nên người Nam cùng người Nữ.
28 Ðức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.
29 Ðức Chúa Trời lại phán rằng: Nầy, ta sẽ ban cho các ngươi mọi thứ cỏ kết hột mọc khắp mặt đất, và các loài cây sanh quả có hột giống; ấy sẽ là đồ ăn cho các ngươi.
30 Còn các loài thú ngoài đồng, các loài chim trên trời, và các động vật khác trên mặt đất, phàm giống nào có sự sống thì ta ban cho mọi thứ cỏ xanh đặng dùng làm đồ ăn; thì có như vậy.
31 Ðức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt lành. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ sáu.
CHƯƠNG 2
Ấy vậy, trời đất và muôn vật đã dựng nên xong rồi.
2 Ngày thứ bảy, Ðức Chúa Trời làm xong các công việc Ngài đã làm, và ngày thứ bảy, Ngài nghỉ các công việc Ngài đã làm.
3 Rồi, Ngài ban phước cho ngày thứ bảy, đặt là ngày thánh; vì trong ngày đó, Ngài nghỉ các công việc đã dựng nên và đã làm xong rồi.
4 Ấy là gốc tích trời và đất khi đã dựng nên, trong lúc Giê-hô-va Ðức Chúa Trời dựng nên trời và đất.
5 Vả, lúc đó, chưa có một cây nhỏ nào mọc ngoài đồng, và cũng chưa có một ngọn cỏ nào mọc ngoài ruộng, vì Giê-hô-va Ðức Chúa Trời chưa có cho mưa xuống trên đất, và cũng chẳng có một người nào cày cấy đất nữa.
6 Song có hơi nước dưới đất bay lên tưới khắp cùng mặt đất,
7 Giê-hô-va Ðức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.
8 Ðoạn, Giê-hô-va Ðức Chúa Trời lập một cảnh vườn tại Ê-đen, ở về hướng Ðông, và đặt người mà Ngài vừa dựng nên ở đó.
9 Giê-hô-va Ðức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon; giữa vườn lại có cây sự sống cùng cây biết điều thiện và điều ác.
10 Một con sông từ Ê-đen chảy ra đặng tưới vườn; rồi từ đó chia ra làm bốn ngả.
11 Tên ngả thứ nhứt là Bi-sôn; ngả đó chảy quanh xứ Ha-vi-la, là nơi có vàng.
12 Vàng xứ nầy rất cao; đó lại có nhũ hương và bính ngọc.
13 Tên sông thứ nhì là Ghi-hôn, chảy quanh xứ Cu-sơ.
14 Tên sông thứ ba là Hi-đê-ke, chảy về phía đông bờ cõi A-si-ri. Còn sông thứ tư là sông Ơ-phơ-rát.
15 Giê-hô-va Ðức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn.
16 Rồi, Giê-hô-va Ðức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn;
17 nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết.
18 Giê-hô-va Ðức Chúa Trời phán rằng: Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó.
19 Giê-hô-va Ðức Chúa Trời lấy đất nắn nên các loài thú đồng, các loài chim trời, rồi dẫn đến trước mặt A-đam đặng thử xem người đặt tên chúng nó làm sao, hầu cho tên nào A-đam đặt cho mỗi vật sống, đều thành tên riêng cho nó.
20 A-đam đặt tên các loài súc vật, các loài chim trời cùng các loài thú đồng; nhưng về phần A-đam, thì chẳng tìm được một ai giúp đỡ giống như mình hết.
21 Giê-hô-va Ðức Chúa Trời làm cho A-đam ngủ mê, bèn lấy một xương sường, rồi lấp thịt thế vào.
22 Giê-hô-va Ðức Chúa Trời dùng xương sường đã lấy nơi A-đam làm nên một người nữ, đưa đến cùng A-đam.
23 A-đam nói rằng: Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người nầy sẽ được gọi là người nữ, vì nó do nơi người nam mà có.
24 Bởi vậy cho nên người Nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng Vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thịt.
25 Vả, A-đam và vợ, cả hai đều trần truồng, mà chẳng hổ thẹn.
Từ khởi thủy, chúng ta thấy Đông Tây đã có những điểm đại đồng tiểu dị.
Việt Nhân gửi đến Trung tâm Văn Bút Việt Nam.