Thời sinh viên trường sư phạm.

Có lẽ mỗi người chúng ta ai cũng có những hoài bảo, ai cũng có ước mơ được cống hiến sức mình cho gia đình và xã hội.Chính vì vậy con đường đi đến ước mơ của mỗi người cũng hoàn toàn khác nhau và việc chọn ngành học cho mình cũng là một phần của ước mơ đó.  Đối với một cô bé khiếm thị như tôi  thì hành trình đi đến ước mơ của mình là cả một câu chuyện dài. 

     Tôi tên Nguyễn Thị Cúc, được sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện miền núi Đức Linh, tỉnh Bình Thuận. Thuở nhỏ tôi cứ ngỡ mình như bao người bình thường khác. Khi lớn hơn một  tí khoảng  4 -5 tuổi tôi dần nhận ra mình có gì đó bất thường. Tôi không hiểu tại sao chị hai hay  các bạn chơi trong xóm cứ cầm tay mình chỉ trỏ và nói ở đằng này, đằng kia. Hay cái này màu hồng, cái kia màu xanh… Trong  tâm trí tôi luôn thắc mắc lí do tại sao mình không biết. Tôi chỉ biết rằng  mình thích chơi với nến, bóng đèn hoặc những vật có thể phát ra ánh sáng. Đặc biệt tôi có thể mở to đôi mắt nhỏ xíu ngồi nhìn diện  dưới ánh nắng mặt trời hàng giờ đồng hồ mà không chán. Cảm giác ấy hạnh phúc biết nhường nào!  Ước gì thời gian có thể quay trở lại để tôi có thể cảm nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp của ánh  nắng tuổi thơ ấy. Lên bốn tuổi thì tôi hoàn toàn không còn thấy ánh sáng nữa dù chỉ là một tí xíu thôi cũng được.  Nhớ ngày ấy tôi  thường trốn ngủ trưa  ra  sau nhà ngồi dưới trời nắng chang chang dùng tay mở to hai mắt hết mức có thể hi vọng tìm lại được cảm giác như ngày nào và rồi tôi đã khóc. Tôi không biết nước mắt mình rơi là do mắt bị bỏng rát hay  vì niềm hi vọng được nhìn ánh sáng lần cuối cùng đã vụt tắt.  Kể từ đó cuộc đời tôi  vùi sâu trong bóng tối. Hỏi ba mẹ tôi nhận được câu trả lời con bị  mù bẩm sinh rồi ba mẹ sẽ tìm người chạy chữa cho con. Được biết từ khi lọt lòng mẹ, tôi cứ  chìm trong giấc ngủ. Thỉnh thoảng o oe vài tiếng đòi sữa mẹ rồi thôi. Đến 10 ngày tuổi mà đứa bé ấy vẫn không mở mắt vậy là  ba mẹ bắt đầu hành trình tìm ánh sáng cho con  gái. Ba mẹ vay mượn khắp nơi để đưa tôi vào các bệnh viện tốt nhất ở Sài Gòn chữa trị. Nhưng nơi nào cũng đều kết luận tôi bị teo nhãn cầu nhưng chưa rõ nguyên nhân. Cầm phiếu kết quả trên tay mẹ đã khóc rất nhiều và hoàn toàn suy sụp. Từ khi biết con gái bị mù ba tôi đã thay đổi và không còn quan tâm nhiều đến  vợ con nữa.  Mẹ phải một tay chăm hai đứa trẻ. Bao nhiêu áp lực dồn lên đôi vai người mẹ trẻ. Gánh nặng kinh tế, áp lực từ họ hàng, từ mọi người xung quanh.  Họ khuyên mẹ  hãy vứt bỏ đứa  bé khuyết tật kia đi chứ nuôi nó vừa tốn công, vừa tốn sức mà chẳng được gì.   Thế rồi mẹ bị trầm cảm sau sinh. Nhưng bằng tình  mẫu tử thiêng liêng cao cả mẹ đã mạnh mẽ  vượt qua để nuôi dạy chị em tôi nên người. Từ đó đã thay đổi cách nhìn của  ba và những người khác. Mẹ là giáo viên tiểu học còn ba là thợ hồ nên không có nhiều thời gian cho con cái. Cả ngày tôi chỉ quanh quẩn ở nhà chơi cùng người chị hơn mình ba tuổi. Chị hai sinh non nên không được khỏe mạnh mà phải chăm sóc đứa  em  suốt ngày cứ  leo trèo lục lọi khắp nơi. Do không nhìn thấy nên cái gì tôi cũng muốn  sờ, muốn thử cho biết. Tất cả mọi thứ xung quanh tôi đều dùng tay sờ mới có thể hình thành biểu tượng trong đầu. Thậm chí con sâu tôi cũng sờ, lửa tôi cũng cho tay vào, tàn thuốc lá đang cháy tôi cũng cầm lên thử xem nó ra làm sao.    Kết quả là bao giờ trên người cũng  đầy thương tích.   Không  phỏng chỗ này thì cũng trầy xức chỗ nọ, không u đầu thì cũng đứt tay chảy máu. Lên 5 tuổi các bạn cùng trang lứa bắt đầu đi học mẫu giáo, tôi thích lắm nên xin  ba mẹ cho đi theo.  Đây là dấu mốc tôi được hòa nhập với xã hội.  Nhiều người thấy   thái độ ham học của tôi thì hiểu, thông cảm thương lắm nhưng cũng không ít người bàn tán nói lời cay nghiệt. Điều này đã  khiến tôi mặc cảm và co cụm lại như con ốc  nằm trong vỏ. Đến một ngày không biết phụ huynh thuyết phục thế nào mà  cô Ái – giáo viên mẫu giáo đã nhận tôi vào học. Ở lớp tôi thường bị bạn đánh hoặc xô ngã do ngồi nhầm chỗ hay làm rơi đồ dùng học tập của bạn. Tuy nhiên vẫn có bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi đặc biệt là cô chủ nhiệm. cô luôn quan tâm, nâng đỡ tôi bằng tấm lòng bao dung của một nhà giáo tâm huyết với nghề. Cô dạy tôi làm toán, kể chuyện, đọc thơ, ca hát… Tối về nhà mẹ lại  dạy chữ cho tôi bằng cách viết ngược chữ cái bình thường rồi cẩn thận đồ đi đồ lại đến khi mở sang trang sau  chữ cái nổi lên. Mẹ dạy tôi  sờ và cảm nhận từng nét.  Vài hôm “chữ xẹp” mẹ lại tiếp tục viết và cùng tôi học. Đến bây giờ đã mười mấy năm trôi qua tôi vẫn còn nhớ như in   nét viết cơ bản của vài chữ. Chính tình yêu thương,  sự diệu dàng, ấm áp của mẹ và cô đã khơi nguồn ước mơ trở thành cô giáo trong tôi tự bao giờ. 

     Bản thân bị khiếm thị đã kéo theo hàng loạt rối loạn trong cuộc sống của tôi, từ việc đi lại đến việc ăn uống, tắm giặt đều khó khăn.  Ba đi phụ hồ với đồng lương ít ỏi, cuộc sống gia đình tuy chỉ có hai chị em nhưng rất khó khăn vì có bao nhiêu tiền bạc ba mẹ đều chạy thầy, chạy thuốc cho tôi. Nhưng kết quả chẳng có gì thay đổi. Cuộc sống quanh tôi là một bóng đêm bao trùm. Tôi cứ dỗi hờn oán trách mẹ rất nhiều mà nào có biết mẹ còn đau lòng gấp trăm ngàn lần tôi. Năm lên 7 tuổi nhờ mối duyên lành đã đưa tôi đến với Trung Tâm Bảo Trợ Khiếm Thị Ánh Sáng, Lagi, Bình Thuận. Tại đây với sự nhiệt tình dạy dỗ của trung tâm. Hệ thống chữ Braille đã cùng tôi đến trường, mở ra cho tôi một chân trời mới, tôi được đi học với các bạn bình thường, được hòa nhập  với xã hội. Đây cũng chính là lúc tôi phải xa rời vòng tay chăm sóc của ba mẹ để bắt đầu sống tự lập. Tôi đã phải chú tâm vào học để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ những bữa cơm gia đình ấm áp. Thèm lắm chén cháo của mẹ những lúc sốt cao! Ao ước biết bao có bàn tay mẹ vỗ về những đêm mưa dông không sao ngủ được. Chạnh lòng làm  sao khi mỗi chiều tan học các bạn cùng lớp được ba đón về trong niềm hạnh phúc! Không ít lần tôi muốn bỏ cuộc để về với gia đình. Đặc biệt là khi bước vào tuổi mới lớn tâm sinh lí thay đổi, việc học hành gặp nhiều khó khăn cộng thêm  bao nhiêu vấn đề phát sinh khác khiến tôi  trở nên  âm trầm lặng lẽ. Có thời điểm tưởng chừng  như tôi rơi vào trạng thái trầm cảm. Tình cờ  tôi  đã thoát ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực nhờ  nghe trên radio câu chuyện về con ốc sên có  nội dung thế này: Một ngày nọ ốc sên con hỏi mẹ: “Vì sao từ khi sinh ra chúng ta đã phải mang trên lung  cái bình vừa nặng vừa cứng như thế”?  Ốc sên mẹ trả lời: “Vì cơ thể chúng ta không có xương để chống đỡ, chỉ có thể bò mà bò cũng không nhanh”. Ốc sên con lại hỏi  tiếp: “Vì sao  chị sâu róm và em giun đất đều không có xương và bò cũng không nhanh mà vẫn ung dung tự tại không phải mang trên mình  cái bình cứng nặng nề đó”? Ốc sên mẹ mỉm cười đáp: Vì chị sâu róm sẽ hóa thành bướm, bầu trời sẽ bảo vệ chị ấy. Còn em giun đất thì chui xuống đất, lòng đất sẽ bảo vệ em ấy”. Ốc sên con òa khóc   than thở:  “Chúng ta thật đáng thương, bầu trời không bảo vệ chúng ta, lòng đất cũng không  che chở chúng ta”. Ốc sên mẹ an ủi con: “Chúng ta không dựa  vào trời cũng chẳng dựa vào đất mà dựa vào chính bản thân mình”. Mẩu chuyện nhỏ này đã giúp tôi ngộ ra rằng Sẽ có nhiều khó khăn, thử thách trên con đường  mình chọn nhưng không có nghĩa là  mình phải từ bỏ mọi thứ.    Đã là người thì chẳng có ai hoàn hảo tuyệt đối  “nhân vô thập toàn”.  Dù bị tổn thương nhưng bạn vẫn sống sót. Hãy nghĩ về một đặc ân quý giá  mà tạo hóa ban tặng đó là bạn vẫn được sống, được thở, được suy nghĩ, được tận hưởng và được theo đuổi những gì bạn yêu thích. Đôi khi có những nỗi buồn trên đường đời nhưng vẫn còn rất nhiều niềm vui. Chúng ta vẫn phải tiếp tục tiến về phía trước ngay cả khi đang tổn thương, vì  không ai biết điều gì đang đợi chờ mình.  Vì thế tôi tự  hứa với lòng  phải trân trọng những gì mình có, biến khó khăn thành động lực từ đó nung nấu í chí kiên cường như loài xương rồng trên sa mạc. 

     Bằng tình yêu thương, sự nâng đỡ tận tình của quý ân nhân, gia đình, thầy cô và mọi người xung quanh cùng với sự nỗ lực phấn đấu  hết mình tôi đã không  phụ niềm tin của mẹ  , công ơn nuôi dạy của trung tâm  và quý thầy cô giáo tôi đã từng bước tiến về cánh cửa tương lai.   Trong suốt 12 năm học phổ thông tôi luôn là học sinh giỏi. Năm lớp 12 tôi đạt giải ba kì thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh. Ngoài giờ học văn hóa tôi còn tham gia học đàn, học đông y và các hoạt động ngoại khóa khác. Trong kì thi tuyển sinh đại học Cao đẳng năm học 2017 – 2018 tôi may mắn đậu vào chuyên ngành giáo dục đặc biệt của trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương thành phố Hồ Chí Minh với số điểm 24.75. . Đó là quả ngọt của một quá trình khổ luyện và học tập miệt mài. Tôi đặt ra cho mình mục tiêu rồi từ đó  đề ra những kế hoạch chi tiết và thời gian biểu cụ thể để thực hiện nó. Tôi nghĩ rằng thành công chỉ đến với những ai biết kiên trì theo đuổi, biết cố gắng làm lại khi thất bại, biết dùng tư duy tích cực đẩy lùi ý nghĩ tiêu cực và quan trọng nhất là vạch ra cho mình một con đường thật phù hợp, thật đúng đắn.  Oscar Wilde  từng nói: “Thứ khó khăn, cay đằng thường ẩn chứa đằng sau nó sự ngọt ngào”. Khi nhận giấy báo trúng tuyển tôi đã bật khóc. Tôi khóc bởi nhờ sự nâng đỡ của quý ân nhân, gia đình, thầy cô và bạn bè mà giấc mơ trở thành cô giáo của mình đang dần được thực hiện. Chao ôi! Khoảnh khắc ấy mới đẹp làm sao, thiêng liêng làm sao!  Tôi đã là tân sinh viên thật sự. Có lẽ đây là bước ngoặc, là khoảnh khắc đáng nhớ nhất mà mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn cảm thấy lân lân trong niềm hạnh phúc. Với những bạn bình thường thì việc học cao đẳng là một chuyện khá dễ dàng nhưng với những người khiếm thị như tôi thì đó  quả  là món quà vô giá mà tạo hóa ban  thưởng cho cả một quá trình phấn đấu  vượt lên số phận. Để biến ước mơ ấy thành hiện thực tôi biết mình phải trải qua một quá trình học tập và  rèn luyện không ngừng nghỉ. Tôi đang cố gắng từng ngày để thực hiện hoài bão của mình là trở thành người có ích cho xã hội.  Ngọn lửa nhiệt huyết luôn bừng cháy trong tim đã tiếp thêm động lực thôi thúc tôi làm những điều thật ý nghĩa để giúp đỡ các em nhỏ.        Ngay thời điểm này  khi vẫn còn là sinh viên năm hai tôi đã có thể giúp được các em nhỏ có hoàn cảnh như mình. Tôi thương các em như chính bản thân mình. Tôi tâm niệm khi ra trường  sẽ tình nguyện đem tất cả niềm tin, nhiệt huyết và những gì mình học được truyền lại cho các em. Cùng là người khiếm thị nên tôi luôn đồng cảm, thấu hiểu và biết cách làm thế nào để hướng dẫn cũng như nâng đỡ các em trên con đường học vấn. Tôi sẽ giúp các em có nghị lực vượt lên nghịch cảnh, có chí hướng cao đẹp, có quyết tâm mạnh mẽ, có tầm nhìn xa và đủ dũng cảm theo đuổi mơ ước của mình. Từ đó các em sẽ nhận ra rằng thành công không bao giờ tự tìm đến và hạnh phúc cũng chẳng phải tự nhiên  có được mà phải do bản thân mỗi người tự tạo ra. Các em phải dùng trái tim để cảm nhận và  chuyển hóa những gì xảy đến với mình một cách tốt nhất để biến ước mơ thành hiện thực. Hi vọng đến một ngày không xa tôi thực hiện được tâm  nguyện này để các bạn, các em khiếm thị tìm thấy ánh sáng đời mình đúng như tinh thần thơ Tố Hữu: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.  

     Chân thành   cảm ơn các bạn đã cho tôi cơ hội được nói về những ước mơ, hoài bão cũng như cơ hội nhìn lại chặng đường đã qua, nhìn lại những thành tích đã đạt được để lấy đó làm động lực, niềm tin tiếp tục vững bước trên con đường tương lai phía trước.

N.T.C, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương thành phố Hồ Chí Minh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s