
Trong số chúng ta, ít nhất ai trong đời cũng từng tự hỏi, cuộc đời mỗi người, là do mình quyết định, hay do ông Trời quyết định.
Trường hợp thứ nhất, nếu nói, con người do mình quyết định, thì sẽ sinh ra Phật giáo. Phật giáo chối bỏ Thượng Đế, có Thượng Đế nhưng ta có thể tự “độ” cho ta. 100% nhân vi, sinh ra Phật giáo và một số lý thuyết khác. Với một số lý thuyết chính trị, vì không tồn tại an bài của Thượng Đế, cho nên chỉ có đấu tranh giữa con người, mạnh thì sống, yếu thì chết. Nếu bỏ yếu tố Thượng Đế ra, trong đầu ta suốt ngày sẽ nghĩ đến chuyện lật đổ các triều đình hoặc tương tự, từ đó sẽ sinh ra cách mạng triền miên, mặt đất không bao giờ yên ổn.
Trường hợp thứ hai, nếu nói, mọi việc do ông Trời quyết định, thì sẽ được như Ấn Độ, nơi con người có xu hướng bỏ vào rừng sâu nước độc, sống cuộc đời tương tự như các tu sĩ Bà-La-Môn. Nhưng đi tu cũng cần miếng ăn, rồi lại phải sinh ra các trò lọc lừa để nuôi sống tu sĩ. Thế rồi lại sinh ra một xã hội giống như trường hợp thứ nhất. Những cái thái quá thường bắt tay nhau.
Trường hợp thứ ba, hãy lấy ví dụ về một câu thơ cho dễ hiểu. Đại thi hào Nguyễn Du đâu đó trong Truyện Kiều có viết: “Tại Trời nhưng cũng có phần tại ta.” Nguyễn Du không rơi vào trường hợp hai (Bà-la-môn giáo hay các tôn giáo vu nghiễn nói chung), cũng không rơi vào trường hợp một (Phật giáo hay các tôn giáo chối bỏ Thượng Đế nói chung).
Trong ba câu trả lời trên, câu trả lời của đại thi hào Nguyễn Du được coi là tạm ổn nhất. Gọi là tạm ổn, bởi nói chung chung có phần do Trời và có phần do người thì nhiều người ở mức độ thường nghiệm cũng biết. Câu trả lời của Nguyễn Du thỏa mãn được đại chúng (l’homme de masse). Nhưng cần phải tính cho ra một cách chính xác, bao nhiêu phần trăm là do Trời, bao nhiêu phần trăm là do người? Trong vật lý quang học có những bài toán không cho con số nhưng phải tính cho ra được con số. Đây cũng là một bài toán như vậy, phải giải được ra con số thì mới gây được hứng thú cho cuộc tồn sinh.
Đối chiếu các kinh điển, trường phái triết lý…thì giới triết học hàng đầu đánh giá cao nhất tỉ lệ do viễn Đông đề nghị: Cuộc đời con người, 60% là thiên bẩm, 40% là nhân vi. Điều này được đúc kết trong câu văn thuộc hàng kinh điển: “Tham (tam) thiên lưỡng địa nhi ỷ số“. Dịch nghĩa: Trời ba phần, đất hai phần là con số cố định. Gọi là cố định bởi không thể sửa đổi gì thêm. Khi ứng dụng vào ngành tòa án thì câu trên cải biến thành: “Tình lý tương tham” (dịch là tình ba lý hai).
Kinh Thư, thiên Hồng phạm, trù thứ chín nói về ngũ phúc và lục cực như sau:
Trù thứ chín,
ngũ phúc: Một là sống lâu, hai là giàu có, ba là mạnh khỏe, bình yên, bốn là ưu đức tốt, năm là về già được trọn đời, không rủi ro, không vạ lây.
(Cửu ngũ phúc: nhất viết thọ, nhị viết phú, tam viết khang ninh, tứ viết du hiếu đức, ngũ viết khảo chung mệnh.)
Sáu điều rất xấu: Một là tử nạn, chết non, hai là tật bệnh, ba là lo buồn, bốn là nghèo nàn, năm là ác nghiệt, sáu là tính nhu nhược.
(Lục cực: nhất viết hung đoản chiết, nhị viết tật, tam viết ưu, tứ viết bần, ngũ viết ác, lục viết nhược.)
Chúng tôi đang bổ sung thêm phần tư liệu gốc chữ Hán vào bài. Kinh Thư đã có 2500 năm, thời chưa có khoa phân loại học. Bạn đọc hãy nhìn vào bảng thống kê ngũ phúc (5 điều phúc) và lục cực (6 điều bất hạnh) kể trên. Không thể viết khác được. Dù bạn có bằng cấp giáo sư, tiến sĩ…cũng không thể làm được một bảng thống kê nào ngắn gọn và hàm súc đầy đủ hơn. Vì thế mới được gọi là kinh điển. Thông minh mới biết cổ nhân tài.
Ngày 15 tháng 07 năm 2020.
Tôn Phi.
tonphi2021@gmail.com
Tôn Phi Các bài viết hay, đáng đọc
ThíchThích
Kinh Thánh chép: Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng chẳng có Đức Chúa Trời ☺️
ThíchThích
Cảm ơn người Bạn trẻ Tôn Phi đã chuyển cho đọc bài này.
Chúc Bạn và cháu bé luôn được sức khỏe tốt và mọi điều may mắn.
Quý mến,
ĐML
ThíchThích
Sinh mệnh mỗi cuộc đời do mình hay không do mình, thì mình cũng phải cố gắng để sống tốt.
ThíchThích