Tác giả: Nguyễn Việt Nhân.
“ An Dương Vương nước Âu Lạc là người ở Ba Thục, họ Thục, tên Phán, nhân việc tổ tiên cầu hôn với con gái của Hùng Vương tên là Mỵ Nương không được, nên sinh ra hàm oán. Phán muốn hoàn thành ý chí của Tổ tiên, nên cử binh đánh Hùng Vương, diệt nước Văn Lang, cải hiệu Âu Lạc mà ở, đắp thành ở đất Việt Thường, thành đắp xong lại sập.Vương mới lập đàn trai giới, cầu đảo 3 tháng. Ngày mồng 7 tháng 3 bổng thấy một ông già theo phương Tây mà đến thẳng cửa thành, vừa đi vừa than rằng : Xây đắp thành này, thì bao giờ cho xong! Vương rước vào trên điện, lạy và khóc rằng : Ta đắp thành này đã xong lại đổ, hao tổn công sức, mà rồi không thành là tại làm sao? Ông già thưa : Ngày nào có sứ giả Thanh Giang cùng đắp với Vương thì thành ấy mới xong. Nói đoạn cáo từ.
Rạng ngày, Vương đứng ở cửa Đông trông ra thì thấy một con rùa vàng theo hướng Đông mà bơi lại; rùa đứng trên mặt nước, nói được tiếng người, tự xưng là Thanh Giang sứ giả, biết rõ lẽ trời đất, âm dương, quỷ thần. Vương mừng hỏi rằng : Điều đó ông già đã báo cho Ta rồi. Bèn sai lấy kim dư rước vào trong thành, mời ngồi trên điện, hỏi vì cớ gì mà thành không đắp được. Kim Quy nói: Ở đây có tinh khí núi sông, có Tiên vương phụ vào để báo thù nước, lại có con gà trắng, sống ngàn năm hoá làm yêu tinh ẩn ở núi Thất Diêu, trên núi có con quỷ, trước là một nhạc công chôn cất ở đây, hoá ra quỷ. Ở bên có một cái quán để cho hành khách qua lại ngủ nhờ, chủ quán tên là Ngộ Không, có một đứa con gái và một con gà trắng là dư khí của quỷ thần. Hễ có người khách nào qua lại đến đấy ngủ nhờ, thì quỷ tinh hoá ra thiên hình vạn trạng mà giết hại rất nhiều. Bây giờ ta nên bắt con gà trắng và đứa con gái của chủ quán mà giết đi thì tinh quái sẽ hết. Nhưng chắc nó lại hoá ra yêu thư, sai chim cú ngậm thư bay lên trên cây chiên đàn, tâu với Thượng Đế để xin phá thành ấy đi. Thần này xin cắn cho rơi cái thư xuống, Vương lập tức thu lấy, tất nhiên thành đắp mới xong .
Kim Quy bảo Vương giả làm khách đi đường xin ngủ nhờ trong quán. Vương để Kim Quy ở trên ngưỡng cửa. Ngộ Không nói : Quán này có yêu tinh, đêm thường giết người, Lang quân không nên ở lại, vả nay trời còn chưa tối, nên đi mau đến chỗ khác để tránh hoạ. Vương cười rằng: Sinh tử tại
mệnh, quỷ mỵ mà làm gì, ta không sợ. Mới ngủ lại đó. Trong đêm có quỷ tinh tới ngồi, kêu rằng : Ai ở trong nhà này phải mở cửa ra mau . Kim Quy mắng rằng : Cửa đóng thì mày làm gì nào? Quỷ tinh phóng hoả tan ra vạn trạng, quỷ dị đủ phương để khủng bố, nhưng rốt cuộc cũng chẳng vào được nhà. Đến lúc gà gáy, các quỷ đều chạy tan, Kim quy khiến Vương đuổi theo đến núi Thất Diệu, quỷ tinh thu về hết cả, Vương trở lại quán trọ. Sáng ngày, chủ quán đem người đồng đến để chôn thi thể của khách ngủ lại hôm qua , thấy Vương ngồi đó, nói cười như không có gì cả .
Quán chủ bước đến, vái lạy nói rằng: Lang quân được như thế là thánh nhân rồi, xin ban linh thuật để cứu sinh linh. Vương bảo : Hãy giết con gà trắng của mày mà tế, thì quỷ thần tan hết. Ngộ Không giết con gà trắng thì đứa con gái tự nhiên nhào xuống chết . Vương lập tức bảo người đào núi Thất Diệu, được một nhạc khí đời cổ và một hài cốt, sai đốt trộn thành tro mà quăng ra sông. Lúc bấy giờ trời đã gần chiều, Vương cùng Kim Quy leo lên núi Việt Thường, quỷ tinh đã hoá ra chim si hưu ngậm thư bay lên cây chiên đàn.
Kim Quy bèn hoá ra một con chuột mà bị theo sau lưng cắn chân chim, thư rơi xuống đất, Vương lập tức thu lấy thì sâu đã ăn hết hơn một nửa rồi. Từ đó quỷ tinh tan hết không phá phách như xưa nữa. An Dương vương đắp thành nửa tháng thì xong, thành dài và rộng nghìn trượng, xoáy tròn như hình con ốc, lại đặt tên là Thăng Long ( 1 ) , Người nhà Đường gọi là thành Sát Quỷ Côn Lôn bởi vì thành rất cao lớn. Kim Quy ở lại với Vương 3 năm rồi từ về, Vương bảo rằng : Nhờ ơn của người thành đã vững chắc, nếu như có việc ngoài thì lấy gì mà chống giữ? Kim Quy thưa : Quốc độ tu đoản, xã tắc an nguy là vận của trời, nhưng người biết tu đức thì có thể lâu dài được, Vương đã có lòng ước nguyện thì tôi đâu dám tiếc. Mới cởi cái móng chân đưa cho Vương và nói : Thản hoặc giặc có đến thì dùng móng này làm máy nỏ, đem ra mà đánh giặc thì không có gì đáng lo. Nói đoạn trở về Đông Hải. Vương khiến bày tôi là Cao Lỗ làm nỏ lấy móng làm máy, hiệu là Linh –Quang Kim –Trảo Thần Nỗ; sau Triệu Đà đem quân đến Xâm lăng, cùng Vương giao chiến, Vương dùng Thần Nỏ mà bắn, quân Triệu Đà thua chạy, đóng đồn ở núi Trâu Sơn, đối luỹ với Vương. Triệu Đà biết Vương có Nỏ Thần, không dám tái chiến, mới khiến sứ thỉnh hoà. Vương mừng, cắt từ sông Tiểu Giang về phương Bắc cho Triệu Đà cai trị, trở về phương Nam thi do Vương cai trị ( nay là sông Nguyệt Đức ), ( 2 )
Chưa được bao lâu, Đà sai con và túc vệ cầu hôn với con gái Vương là Mỵ Châu, Vương bất ý không ngờ gian kế của cha con Triệu Đà. Trọng Thuỷ dỗ Mỵ Châu trộm lấy Nỏ Thần cho xem, rồi lén làm nỏ khác đổi lấy vuốt rùa dấu đi, rồi dối với Mỵ Châu là trở về Bắc thăm cha mẹ. Nhân đó nói rằng : Tình phu phụ thì không nỡ quên, mà ơn phụ tử cũng không nên bỏ, ta nay về thăm cha mẹ và vạn nhất hai nước thất hoà, Nam Bắc cách biệt, ta trở lại tìm nàng, thì lấy vật gì mà làm dấu cho ta biết. Mỵ Châu nói : Thiếp là nhi nữ, gặp bước phân ly thực khó thắng được tình cảm, thiếp có chiếc nệm ( 3 ) gấm lông ngổng thường mang trên người, đến lúc ấy, thì thiếp lấy lông ngỗng mà rải ở các ngả ba để chỉ cho chàng biết chỗ thiếp đi mà đến cứu. Trọng Thuỷ từ tạ, cắp nỏ mà về báo cáo với Triệu Đà. Đà được nỏ rất mừng, liền phát binh đánh Vương, Vương không lo phòng bị, mãi đánh vây, cười rằng : Đà không sợ Nỏ Thần của ta sao ? Đến lúc quân Triệu Đà tiến bước, Vương mới xách nỏ ra bắn, thì thần cơ đã mất, quân chạy tán loạn. Vương chở Mỵ Châu lên ngựa, chạy về hướng Nam, đến bờ biển, cùng đường, không có thuyền để sang ngang, Vương hét lớn lên rằng : Trời để mất ta hay sao? Giang sứ mau đến cứu ta! Kim Quy nổi lên trên mặt nước, mắng rằng : Người cưỡi ngựa sau lưng là giặc đó, hãy giết nó ta mới cứu. Vương bèn tuốt gươm chém Mỵ Châu .
Mỵ Châu ngửa mặt lên trời mà cầu xin : Thiếp là con gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại đến phụ thân thời chết hoá thành bụi trần, như một niềm trung tín, bị người phỉnh phờ, thì hoá làm ngọc châu để rửa cái thù nhục nhã này Mỵ Châu chết ở bờ biển, máu chảy trên nước, hàu hến ăn vào lòng, hoá thành minh châu. Vương cầm sừng văn tê bảy tấc, Kim Quy rẽ nước dẫn Vương vào biển, đời truyền tại núi Mộ Dạ, làng Cao Xá, Châu Diễn, tức là chỗ đó vậy. Quân Triệu Đà tới chỗ đó, thì không thấy gì hết, chỉ thấy tử thi của Mỵ Châu, Trọng Thuỷ ôm thây nàng mà về chôn ở Loa Thành, hoá làm ngọc thạch, Trọng Thuỷ thương cảm vô cùng, thấy lại những chỗ hay tắm gội của Mỵ Châu, tưởng nhớ đến hình dung của nàng, bèn nhảy xuống giếng mà chết . Sau này ai được ngọc châu ở Đông Hải,
càng múc nước giếng ấy mà rửa, thì sắc ngọc càng thêm rực rỡ . Nhân tránh tên Mỵ Châu, nên gọi ngọc châu là Đại Cưu, Tiểu Cưu vậy. “
( 1 ) : Chắc sai, bản của Despierres ghi là Tư Long .
( 2 ) : Theo bản của Despierres, thì là sông Thiên Đức ( Xem Cổ Loa, capitale du royaume Âu Lạc ) .
( 3 ) : Dịch chữ Nhục, có người dịch là áo choàng, e không đúng, nhưng thực ra là nệm gấm thường mang trên người thì cũng là một thứ áo choàng .
( Lĩnh Nam chích quái : Trần Thế Pháp, bản dịch của Lê Hữu Mục,Trăm Việt xuất bản, trang 70 – 74 )
Thần Kim Quy giúp Vua Thục
“ Thục từ dứt nước Văn Lang,
Đổi tên Âu Lạc mới sang Loa Thành,
Phong Khê là đất Vũ Ninh ( 1 ),
Xây thôi lại lở công trình biết bao!
Thục vương thành ý khẩn cầu,
Bổng đâu Giang sứ ( 2 ) hiện vào Kim Quy ( 3 )
Hoá ra thưa nói cũng kỳ,
Lại tường cơn cớ bởi vì yêu tinh,
Lại hay phù phép cũng linh,
Vào rừng sát quỷ, đào thành trừ hung ,
Thành xây nửa tháng mà xong,
Thục vương cảm tạ tấm lòng hiệu linh ( 4 )
Lại bàn đến sự chiến tranh,
Vuốt thiêng để lại tạ tình quân vương,
Dặn sau làm máy Linh Quang ( 5 )
Chế tra Thần Nỏ, dự phòng việc quân.”
( 1 ) : Nay còn vết tích Loa Thành ở làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên.
( 2 ) Giang sứ : thần sông .
( 3 ) Kim Quy : Rùa vàng.
( 4 ) Hiệu linh : Giúp một cách mầu nhiệm.
( 5 ) Linh Quang : Tên cái nỏ.
Trung Quốc đánh Âu Lạc
“Bấy giờ gặp hội cường Tần,
Tằm ăn lá Bắc, toan lần cành Nam,
Châu Cơ ( 1 ) muốn nặng túi tham
Đồ Thư, Sử Lộc sai làm hai chi,
Lĩnh Nam mấy chốn biên thùy,
Quế Lâm, Tượng Quận thu về bản chương,
Đặt ra Úy lịnh rõ ràng,
Họ Nhâm, họ Triệu sai sang giữ gìn,
Hai người thống thuộc đã quen,
Long Xuyên, Nam Hải ( 3 ), đôi bên lấn dần
Chia nhau thuỷ bộ hai quân,
Tiên Du ruổi ngựa , Đông Tân ( 4 ) đỗ thuyền.
Thục vương có nỏ thần truyền,
Muôn quân buông một lượt tên còn gì ?
Nhâm Hiêu mắc bệnh trở về,
Triệu Đà lại khiến sứ đi xin hoà,
Bình Giang ( 5 ) rạch nửa sơn hà,
Bắc là Triệu Uý, Nam là Thục vương.”
( 1 ) Châu cơ : hai thứ ngọc (Đại cưu, Tiểu Cưu ) . Tàu cho là Âu Lạc có nhiều thứ ngọc, nền tìm cách sát nhập Âu Lạc vào Tàu .
( 2 ) Úy : là chức quan võ cầm quân dẹp giặc, Lịnh : Chức quan văn, coi việc cai trị .
( 3 ) Long Xuyên , Nam Hải : tên đất, nay thuộc tỉnh Quảng Đông nước Tàu.
Nhâm Hiêu, Triệu Đà chia hai ngả, lấn sang Âu Lạc.
( 4 ) Tiên Du : thuộc tỉnh Bắc Ninh, Đông Tân : ở trên sông Nhị Hà thuộc Hànội.
( 5 ) Bình Giang : nay là sông Thương, thuộc tỉnh Hà nội.
Trọng Thuỷ, Mỵ Châu
“ Mặt ngoài hai nước phân cương ( 1 )
Mà trong là Triệu mượn đường thông gia,
Nghĩ rằng Nam, Bắc một nhà,
Nào hay hôn cấu ( 2 ), lại ra khấu thù ( 3 )
Thục Cơ ( 4 ), tên gọi Mỵ Châu,
Gả cho Trọng Thuỷ, con đầu Triệu vương
Trăm năm đã tạc đá vàng,
Ai ngờ thế tử ( 5 ) ra đàng phụ ân ,
Tóc tơ tỏ hết xa gần,
Thừa cơ đem máy nỏ thần đổi đi,
Tỉnh thân ( 6 ) giả tiếng Bắc quy,
Đinh ninh dặn hết mọi bề thuỷ chung,
Rằng : khi đôi nước tranh hùng,
Kẻ Tần, người Việt ( 7 ) tương phùng ( 8 ) đâu đây?
Trùng lai ( 9 ) dù hoạ có ngày,
Nga mao ( 10 ) xin nhận dấu này thấy nhau.
Cạn lời thẳng ruổi vó câu ( 11 )
Quản bao liệu oán, hoa sầu nẻo xa .”
( 1 ) Phân cương : chia bờ cõi.
( 2 ) Hôn cấu : kết thành vợ chồng.
( 3 ) Khấu thù : thù giặc.
( 4 ) Thục Cơ : con gái vua Thục
( 5 ) Thế tử : con để nối dõi. Thục vương không trai đã lập Trọng Thuỷ làm thế tử, có bàn chép là tế tử , tức là con rể .
( 6 ) Tỉnh thân : về thăm cha mẹ.
( 7 ) Kẻ Tần, người Việt : nước Tần ở về phía Bắc, nước Việt ở về phía Nam, ý nói hai nơi ở xa cách nhau.
( 8 ) Tương phùng : Gặp nhau.
( 9 ) Trùng lại : lại về gặp nhau.
( 10 ) Nga mao : lông con ngỗng.
( 11 ) Vó câu : chân ngựa, chỉ sự đi xa.
Triệu Đà diệt Thục
“ Giáp binh sắp sẵn từ nhà
Về cùng Triệu uý , kéo ra ải Tần,
An Dương cậy có nỏ thần,
Vi kỳ ( 1 ) còn hãy ham phần vui chơi,
Triệu quân ruổi đến tận nơi ,
Máy thiêng đã mất , thế người cũng suy,
Vội vàng đến lúc lưu ly,
Còn đem ái nữ đề huề sau yên,
Nga mao vẫn cứ lời nguyền,
Để cho quân Triệu theo liền bóng tinh ( 2 )
Kim Quy đâu lại hiện linh,
Mới hay giặc ở bên mình không xa,
Bấy giờ Thục chúa tỉnh ra,
Dứt tình, phó lưỡi Thái –a ( 3 ) cho nàng,
Bể Nam đến bước cùng đường,
Văn – tê ( 4 ) theo ngọn suối vàng cho xuôi,
Tính ra nước Thục một đời,
Ở ngôi vua được năm mươi năm tròn,
Nghe thần , rồi lại tin con,
Cơ mưu chẳng nhiệm ( 5 ) thôi còn trách ai .”
( 1 ) Vi kỳ : chơi cờ vây.
( 2 ) Bóng tinh : Bóng cờ vua,
( 3 ) Thái – a : Thứ gươm quý.
( 4 ) Văn tê : sừng tê có vân, tục truyền sừng ấy có thể rẽ nước được.
( 5 ) Nhiệm : Hiểu thấu.
( Lê Ngô Cát , Phạm Đình Toái : Đại Nam quốc sử diễn ca. Bản tiếng Việt của Hoàng Xuân Hãn, Xuân Thu xuất bản, trang 58 – 62 )
Kinh Mỵ Châu
“ Vào cuối thời các vua Hùng, có Triệu Đà đem quân xâm lược nước ta.
Vì vậy An Dương vương xây thành để phòng thủ, nhưng thành cứ sập đổ mãi. Sau nhờ thần Kim Quy tới giúp mới xây được Loa thành. Thần Kim Quy còn để lại một cái móng làm lãy nỏ, bắn một phát là giết cả vạn người. Thấy vậy, Triệu Đà cho con là Trọng Thuỷ kết hôn với công chúa Mỵ Châu. Trong thời gian ở tại Loa Thành, Trọng Thuỷ dỗ dành Mỵ Châu cho coi chiếc nỏ thần, và chàng đã tráo cái lãy nỏ. Lấy được nỏ thần, Trọng Thuỷ liền về nước và cùng Triệu Đà đem quân đánh Loa Thành. Khi biết nỏ thần hết linh nghiệm, An Dương vương đem Mỵ Châu lên ngựa chạy trốn.
Dọc đường, Mỵ Châu nhổ lông ngỗng nơi chiếc áo đang mặc để làm dấu cho Trọng Thuỷ đuổi theo. Biết thế, An Dương vương rút gươm chém Mỵ Châu. Máu nàng chảy xuống biển hoá thành ngọc trai. Trọng Thuỷ chiếm được Loa Thành, nhưng nhớ vợ nên nhảy xuống giếng mà chết. Tứ đó, lấy nước giếng đó mà rửa thì ngọc trai thành sáng đẹp hơn. “
( Nam Thiên : Kinh Việt, Hoa Tiên Rồng, trang 227 – 228 )
________________________________________________________________________
Khai triển
1 .- Tình hình Đất nước
a.- Ít nét về An Dương vương và Loa Thành
“ An Dương Vương là dòng dõi của vua Hùng, nhưng không được xếp vào danh sách 18 vị.
Loa Thành: Di tích lịch sử này hiện còn ở thành Cổ Loa, có hình trôn ốc, chu vi gần 8 km. Chân thành dày 20 – 30 m, chiêu cao 4 – 5 m, mặt thành rộng 12 m, ngoài thành có hào thông với các sông . Trong thành có đền thờ An Dương vương, mộ Mỵ Châu, giếng ngọc, nơi Trọng Thuỷ trầm mình, gò diễn binh. Mới đây đã đào được những mũi tên bằng đồng ở trong thành.
Thần Kim Quy, tự xưng là Thanh Giang sứ giả, từ biển Đông tới. Thần Kim Quy giúp An Dương vương xây Loa Thành, và cho cái móng làm Nỏ Thần dùng làm vũ khí chống giặc. “
( Kinh Việt: Nam Thiên )
b.- Lực lượng Bạn và Thù
Đầu não lực lượng bạn
An Dương vương và ái nữ Mỵ Châu là biểu tượng của Tiên Rồng, An Dương vương là nhân vật chủ chốt về công cuộc bảo vệ đất nước. Còn Mỹ Nương là nhân vật tay trong làm tiết lộ quân cơ.
Bộ chỉ huy lực lượng thù
Triệu Đà là vua phương Bắc, luôn tìm cách xâm chiếm nước ta, nhưng vì An Dương vương có Nỏ Thần, không đánh nổi, bèn cho con là Trọng Thủy xin làm rể của An Dương vương, để tính kế đánh lấy nước ta. Kẻ thù đây là hai cha con Triệu Đà, toàn là đực rựa, là dân du mục phương Bắc.
2.- Chiến lược giữ nước của An Dương vương
a.- An Dương vương.
Để bảo vệ tổ quốc, An Dương vương đã thực hiện những công trình sau:
*.- Xây Loa Thành: bắt dân chúng xây thành, thành đã xây đi xây lại nhiều lần, rất tốn đến công sức và mạng sống của nhân dân, nhưng đều thất bại. Sau nhờ thần Kim Quy từ biển Đông tới, chỉ cách cho mới xây xong, An Dương vương lại hỏi về cách giữ nước, thần Kim Quy tặng cho cái móng rùa làm Nỏ Thần dùng làm vũ khí lợi hại.
*.- Gả công chúa Mỵ Nương cho Trọng Thuỷ, khi con của Triệu Đà tới cầu hôn.
An Dương vương tính kế vẹn toàn: Vương có thành lũy kiên cố, có Nỏ Thần vạn năng, lại hoà giải được với giặc ( Triệu Đà ) bằng cách gả công chúa cho Trọng Thuỷ, và cho Trọng Thủy ở rể trong cung điện nhà vua. Vương không nghĩ gì tới nhân dân, mà chỉ tính kế vẹn toàn cho ngôi vua của mình.
b.- Nội Thù: Công chúa Mỵ Nương
*.-Vì hết lòng tin yêu chồng, mà Mỵ Nương lén cho Trọng Thụy xem Nỏ Thần là vũ khí quan trọng hàng đầu của quốc gia, nhất là sinh mạng của cha con nàng.
*.- Khi đã đánh tráo được nỏ, Trọng Thuỷ lại viện kế về thăm cha mẹ để đem Nỏ Thần về cho Triệu Đà. Trọng Thuỷ vấn kế Mỵ Châu làm sao có thể liên lạc được với Mỵ Châu trong trường hợp chiến tranh Thục – Triệu xẩy ra . Cũng vì yêu say mê, Mỵ Châu cũng nghĩ ra kế vẹn toàn là rải lông ngỗng dọc ngả ba đường nàng đã đi qua . Nàng cứ nghĩ là làm dấu hiệu cho Trọng Thuỷ đi theo, nhưng lại không hay đó là dấu chỉ điểm cho quân giặc đuổi cha con nàng tới bước đường cùng.
3.- Chiến lược cướp nước của Triệu Đà
Triệu Đà cho con Trọng Thuỷ tới cầu hôn với Mỵ Châu có mục đích là tung gián điệp vào tận sào huyệt của cha con An Dương vương. Nhờ ở trong cung điện, mà Trọng Thuỷ biết rõ hết địa hình địa vật của Loa Thành, lực lượng phòng thủ diện địa cùng những sinh hoạt phòng thủ của Loa thành.
Lừa Mỵ Nương đánh tráo được Nỏ Thần đem, tức là Triệu Đà đã hoá giải được sự công hiệu của thứ vũ khí mà từ lâu Triệu Đà đành phải thúc thủ.Đó cũng giống như những cỗ trọng pháo thủ thành ngày nay. Ngoài ra, còn một yếu tố quyết định cho sự thành bại là yếu tố bất ngờ.
4.- Diễn tiến và kết quả của cuộc chiến
Khi Trọng Thuỷ đem Nỏ Thần về là Triệu Đà đã có tất cả tin tức cần thiết để hoạch định một kế hoạch hành quân. Đặc biệt Triệu Đà đã nắm được các yếu tố quan trọng là nắm vững tình hình địch, nắm thế chủ động và bất ngờ. Phần thắng đã nằm sẵn trong tay cha con Triệu Đà.
Khi Triệu Đà đem quân tấn công nhà Thục, thì An Dương vương và quan quân đang mê mải chơi cờ. Khi giặc tấn công tới nơi, quân lính vào khẩn báo, An Dương vương còn bảo Triệu Đà không sợ Nỏ Thần của Ta sao? Khốn nỗi, Nỏ Thần nay đã nằm trong tay Trệu Đà rồi, nên khi đem Nỏ Thần ra dùng thì là vô hiệu, An Dương Vương chỉ còn kịp chở Mỵ Nương sau yên ngựa của mình mà chạy thoát . Nhờ lông ngỗng do Mỵ Châu rải dọc ngả đường, chẳng bao lâu, giặc đã đuổi gần. Cũng giống như Tây Sở Bá Vương, khi gặp một con sông trước mặt, không có đò qua, mà giặc lại đuổi sát sau lưng, An Dương vương chỉ biết kêu cứu Kim Quy. Kim Quy hiện ra, chỉ cho An Dương vương biết kẻ thù ở ngay sát lưng, An Dương lấy kiếm chém Mỵ Châu, người con yêu quý duy nhất của mình! Rồi cùng Kim Quy đi vào lòng biển! Thế là Triệu Đà đã diệt trọn ổ, chiếm ngôi nhà Thục như trở bàn tay!
5.- Nguyên nhân thành công và thất bại
a .- Nhà Triệu
Ta đã biết nhà Triệu sống theo Văn hoá du mục, chuyên môn đi đánh chiếm, nên rất giỏi về chiến tranh, về kế hoạch hành quân. Nhà Triệu đã khôn khéo trong công việc thu thập những tin tức về địch, để biết rõ địch và ta, hơn nữa lại đem con vào trong lòng địch mà làm tình báo. Khi đã nắm vững tình hình địch, thì hầu như phần thắng đã nắm được trong tay.
b .- Nhà Thục
Chiến lược phòng thủ nước của nhà Thục hỏng từ đầu tới cuối .
*.- Thay ví có kế hoạch cùng toàn dân giữ nước, An Dương vương lại tìm cách xây thành để giữ ngôi vua. An Dương vương tách mình ra khỏi nhân dân, bắt nhân dân phải cực khổ để phục vụ cho ngôi vua của mình. Đó là việc xây Loa Thành, làm thất nhân tâm.
*.- An Dương vương không tin vào mình, không tin vào nhân dân mình nhất là vào tinh thần bất khuất của Tổ tiên mình, lúc nguy khốn mới đi cầu viện thần Kim Quy.
*.- Chỉ tin vào và ỷ thế có Nỏ Thần là vật chất, đâm ra khinh địch, mặc dầu đã bị đánh nhiều lần, vua quan cứ mê mải ăn chơi, chểnh mảng việc nước.
Đến nỗi cái Nỏ Thần là vật quý nhất, mà vẫn không được giữ gìn cẩn mật.
*.- Chấp nhận gả con cho con giặc để mong hoà giải được với giặc là một sai lầm nghiệm trọng. Lại thêm cho con giặc vào ở trong cung, mặc dầu là rể, mà không có để ý đủ, để cho quân cơ lọt vào mắt giặc, đó là người lãnh đạo thiếu óc phán đoán sáng suốt và lo xa.
*.- Mỵ Nương và ngay cả An Dương vương không phân biệt được tình nhà với nợ nước, An Dương vương chỉ tin vào Nỏ, mà cư an, quên tư nguy, đem giặc vào sào huyệt mà không biết, Mỵ Nương quá yêu chồng, con giặc mà đi tiết lộ hết quân cơ, lại còn chỉ cách cho giặc bám sát mình và cha mình! Thua giặc là lẽ đương nhiên.
6.- Tình Nhà
Mỵ Châu vì không ý thức được rõ về tình nhà và nợ nước, nên đã lạm dụng tình nhà mà làm tiết lộ quân cơ cho giặc, lại ngây thơ, vô tình nối giáo cho giặc trên bước đường chạy thoát, để làm mất
nước. Phạm trọng tội với nước, thì dầu là con vua cháu chúa, cũng không thể tha thứ, mà phải đền tội . Nhưng đối với tình nhà, tuy là do hai gia đình sắp xếp, nhưng khi đã lấy nhau, Mỵ nương đã hết lòng yêu chồng, không từ nan với chồng bất cứ điều gì, ngay đến lúc khốn cùng trước khi nhận nhát kiếm oan nghiệt của cha, nàng còn ngửa mặt lên trời mà cầu xin: “ Thiếp là con gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại đến phụ thân, thời chết hoá thành bụi trần, bằng như một niềm trung tín, bị người phỉnh phờ thì được hoá làm ngọc châu để rửa cái nhục nhã này ”.
Bị Cha dùng làm con bài giữ ngôi vua, nhưng Mỵ châu luôn giữ mối tình trong trắng tận hiến, nên lời cầu xin của nàng được linh ứng, máu nàng chảy xuống biển được trai sò nuốt vào thành ngọc. Trọng Thủy cũng vậy, bị cha dùng làm con bài “ lợi dụng tình nhà, để cướp nước của vợ “, nhưng vẫn luôn yêu thương và tìm cách gần gũi với vợ, khi vợ chết ôm xác vợ về chôn cất tử tế, rồi không đợi tới lúc vua cha phong vương, mà nhảy xuống giếng trầm mình. Chàng cùng nàng đã cùng yêu nhau khăng khít cho đến khi chết. Nên lấy nước giếng nơi Trọng Thuỷ chết dùng để rửa ngọc trai của Mỵ Châu thì lại sáng lên. Khi được rửa, ngọc trai ửng lên tia sáng của tình nghĩa Vợ Chồng!
Tóm lại , An Dương vương và công chúa Mỵ Nương đã không sống trọn vẹn cho Tình Nhà Nợ Nước, nói cách khác Tình Nhà / Nợ Nước mất cân bằng, nên cả hai cha con phải nhận lãnh cái chết. Cái điều cần lưu ý ở đây, không chỉ là cái chết của cha con An Dương vương, quan trọng hơn là kết quả kéo theo đó là Nước mất, Nhà tan và Nhân dân lại bị rơi vào tròng Nô lệ!
Một bài học quan trọng khác: Giữ nước là công việc của toàn dân và chính quyền, chứ không phải chỉ giữ ngôi vua hay giữ lấy ngôi vị của một tập đoàn, của một đảng phái,
Nò Thần bắn được nhiều phát tượng trưng cho Vũ khí của toàn dân ( Động vi binh , Tĩnh vi Dân ).
Tình Nhà là Tình / Nghĩa Vợ Chồng , trăm năm kết tóc xe tơcho đến đầu bạc răng long để lập nên Tổ ấm Gia đình, Gia đình là nền tảng của Xã hôi, khi nền tảng Gia đình bị tan vởthì Nợ Nước làm sao đền xong, như vậy là Hòn Ngọc Trai bịvấy bẩn, Việt Tỉnh là nước Cam tuyền mới có khả năng tẩy rửa ( lỗi lầm về Tình Nhà Nợ Nước ) cho Ngọc Trai sáng trong lại, Ngọc Trai đó là Ngoc Long Toại ( cặp Trống / Mái ) tức là Dịch lý Âm Dương Hòa .
Ngọc Trai là Dịch lý giúp cho Tình Nhà Nợ Nước đuợc Vuông Tròn hay Lưỡng nhất. Tình Nhà thuộc Tình, Nợ Nước thuộc Lý, khi Tính / Lý tương tham thì Nhà yên Nước ổn.
Vậy Huyền thoại Thần Kim Quy hay truyện Mỵ Châu Trọng Thuỷ là để tài về “ Tình Nhà / Nợ Nước Tròn Vuông “ hay Lưỡng nhất. Ngọc Trai chính là Viên Ngọc Long Toại hay Dịch lý Âm Dương Hòa, Dịch lý Âm Dương Hòa là nền tảng của nền Văn Hoá Thái Hòa Việt Nam .
Trợ lý: tonphi2021@hotmail.com.
Phone, Whatsapp, Signal: +84344331741.