Phúc là gì? Trên đời ai nấy đi tìm phúc. Việc định nghĩa “phúc” như thế nào ảnh hưởng cả cuộc đời sau đó.
Sách Hán học tân phương của Tạ Quang Phát giải thích cấu tạo chữ Phúc như sau (trang 92):
褔 Phúc= việc lành như giàu, sang, thọ; việc may. ( 畐 phúc (hài thanh) + 礻 kỳ= thần thánh ban bố phúc lành).
Cụ thể hơn nữa, 畐 Phúc= đầy ruộng; ruộng mênh mông xa rộng (viết theo viên cảnh họa, ruộng mênh mông xa rộng, gần thì thấy rõ ràng viết nguyên chữ điền 田 là ruộng, xa thấy thu hẹp lại còn là hình dẹp, ở tận chân trời chỉ còn thấy có một nét ngang).
Các tôn giáo (không phải tất cả) thường quan niệm tiền bạc của cải đời này là phù du, có thật vậy chăng?
Ta thấy Phúc “to” cấu tạo từ Phúc “nhỏ”, mà Phúc “nhỏ” thì cấu tạo từ đồng ruộng. Cho nên muốn có hạnh phúc tâm linh thì cũng phải có hạnh phúc nhân sinh đi kèm. Người nghèo là dấu hiệu của ít phúc. Người có phúc là người mà đời sống nhân sinh và đời sống tâm linh bình hành, cân đối. Về nhân sinh, ta phải có ruộng, phải có của cải tích trữ, cư an tư nguy-trong lúc an nhàn thì nghĩ cho lúc khốn khó. Về tâm linh, ta chăm lo cho sự cứu rỗi của linh hồn. Chữ Nho thâm thúy ở chỗ đó, như chữ Nho phúc 褔 có tính lưỡng hợp. Đây là điều thiếu vắng ở các triết học xuất phát từ Tây Âu, mà triết gia Heidegger gọi đó là mất đi nếp gấp đôi (pli en deux) dẫn đến vấn nạn những con người một chiều (one dimensional man). Tỉ như chữ Nho thì không vậy, chữ Nho có chân trên cả hai tàu, tàu nhân sinh (có ruộng) và tàu tâm linh (có thần che chở). Vì vậy Nho tự xứng đáng gọi là linh tự, gây hứng thú cho cuộc tồn sinh.
Góp ý tác giả: tonphi2021@gmail.com
Bạn đọc nào muốn có cuốn sách in Hán học tân phương, mời liên lạc với Trung tâm Văn Bút Việt Nam.
Xem thêm: Dự án Chiết tự chữ Nho