Tôn Phi
Đây là một câu hỏi khó. Lâu nay đã quen nói Kinh Thi là của Hoa tộc. Khi chúng tôi đưa ra chủ đề này để thảo luận thì những người học nhiều nhất cũng ngạc nhiên: “Ủa Kinh Thi là của Việt Nam mình viết hả?” Ở trường, các em đã được dạy khác. Trong lúc học chỉ cần nắm được ý sơ sơ: “Kinh Thi nằm trong bộ danh tác gồm Ngũ kinh do người Trung Quốc viết” thế là đủ được coi là học xong môn. “Bởi vì sách của trường hay sách bên ngoài em mua học đều nói Ngũ kinh, trong đó có Kinh Thi- thơ về cuộc sống được viết từ thời cổ đại, đến đời sau thì thêm vào, do người Trung Quốc viết.”
Trong câu thành ngữ có vẻ văn sức “con rồng cháu tiên” thì tiên được kể như xuất hiện trước rồng, con cháu gọi phụ lão là tổ tiên chứ không gọi là tổ rồng, đủ biết linh vật của Việt tộc là chim. Việt điểu sào nam chi- chim Việt đậu cành nam, khi vua Tàu ra xem thì thấy những con chim từ Việt cống sang khi đỗ trên cây thì luôn hướng về cành phía nam phương mà đậu. Những bài thơ trong Kinh Thi, phần đầu, có địa vực xảy ra chủ yếu là ở hai vùng Dương Tử Giang và Hoài Giang. Ở đó có những giống chim nước quen sống: Cốt Cưu, Quýnh Cưu, Thư Cưu, Cung Cưu và Cưu Cư (là giống không biết làm tổ, phải đi đẻ nhờ tổ chim tước). Họ Hồng Bàng, Hồng có thể kép bởi chữ Giang và Điểu.
Kinh Thi đã phản chiếu lại hiện tượng đó bằng chim xuất hiện tràn ngập: Thư cưu mở đầu rồi về sau
“Hoàng điểu vu phi. Duy thước hữu sào, duy cưu cư chi. Yến yến vu phi, Trĩ minh cầu kỳ bẫu. Ung Ung minh nhạn, Hồng tắc li chi. Thuần chi bôn bôn. Thước chi cương cương…”
và do đó chim hay đi với việc cưới xin: lễ hỏi phải có cặp ngỗng rừng để chúng “Ung ung minh nhạn” (Creel 279) hoặc truyền thuyết về các bà mẹ nuốt trứng chim rồi sanh con.
Tóm lại vừa có rất nhiều chim và chim lại gắn liền với việc cưới xin kiểu trực tiếp (gọi là bôn) thì hai điều đó thuộc phương Nam.
Không chỉ Kinh Thi, mà cả Kinh Thư thiên Vũ Cống câu 10 nói “Dương điểu du cưu” tức là một thứ ngỗng rừng, cũng gọi là chim mặt trời, vì nhân theo độ cao thấp của mặt trời, mà từ Nam lên Bắc, rồi từ Bắc xuống Nam, đưa thoi theo mùa nóng lạnh. Kinh Thư cũng chứa đựng nhiều hằng số của Việt Nho, chờ người khai quật. Kinh Thi đã ăn sâu vào lòng người, để các bậc tiên nho thi bá của nước ta khơi nguồn cảm hứng. Nguyễn Du viết câu “Sầu đong càng lúc càng đầy/Ba thu dồn lại một ngày dài ghê” là ý của câu “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề” của thiên Thái Cát (bài số 72). Hay Chinh phụ ngâm khúc, Đoàn Thị Điểm viết “Nương song luống ngẩn ngơ lòng/Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai” là ý của câu “Thùy đích vi dung? trong thiên Bá hề (bài thứ 62). Giống như con cháu làm lại những việc của cha chú, thì thi nhân đời sau làm thơ trúng với cảm thức của tiền nhân, chứng tỏ một mối quan hệ không cùng huyết thống thì cũng là dân tộc. Nếu không biết nguồn gốc của mình thì tâm trạng luôn là nô lệ, trong khi chính mình mới là chủ nhân chính nghĩa. Lứa giáo sư trước 1975 tìm được nhiều, nhưng thời gian quá cấp bách, 20 năm ngắn ngủi, lứa về sau bị mất hết. Khoa triết chỉ là khoa triết học sử, khoa văn chỉ là khoa văn học sử, khoa sử còn là khoa sử ký, không có thành tựu chói lọi như trước 1975. Nhận thức này quan trọng với những ai có ý định dấn thân.
Vương triều thoán đoạt tác quyền Kinh Thi của Viêm tộc. Điều đó không quan trọng, bằng việc nhận thức cũng như cải thiện hoàng kim hiện đại, cần trước hết phải có một nền triết lý nhân sinh ám hợp cho tâm trạng hiện nay. Nạn bất bình sản ở đâu cũng có nhưng nhảy lên hàng nguyên lý thì phát sinh tự ở châu Âu, đến mùa dịch Covid mới biểu lộ một cách rầm rộ. Làm thế nào để có thể chia đều? Tây Âu không trả lời được câu hỏi kể trên, nhà khoa học sinh học giận dỗi vì lương tháng của mình 3 ngàn USD trong khi lương của cầu thủ bóng đá lên đến 3 triệu. Tây Âu còn thiếu một nền triết lý phải hợp cho mọi thời mọi nơi. Nếu không thì lòng tham của con người sẽ còn vô đáy, ai làm quan chức hay thư lại thì sẽ nhờ cơ hội nắm chính quyền mà vơ vét. Kiểu này hoặc kiểu kia, nhưng kiểu nào cũng hại. Dù nó thu được ít nhưng lòng tham đó đã che khuất lấp con mắt nên không thể sáng kiến ra được những đường hướng dẫn. Dầu thời đại đổi thay lạ hoắc, nhưng đâu đó cũng có những luật bất biến. Con người từ mấy ngàn năm qua đến nay có thay đổi về vật chất, còn về tính tình vẫn mãi mãi như nhau. Con người vẫn là con người. Kinh Thi đã chứng minh điều ấy. Bên Á Đông đã tìm được nguồn giải đáp. Điều đó đựơc chứng tỏ xuyên qua nguồn gốc Việt nho của nó: một nền triết đã tuyên bố rằng: “bất hoạn bần nhi hoạn bất quân” = không sợ ít của mà sợ chia không đều. Không chỉ lý thuyết suông, Viễn Đông, thời hoàng kim thời đại, còn đóng ấn trong thể chế, là phép quân phân ruộng đất, phép rong canh (trợ cấp xã hội thực chất là rong canh). Đó là triết lý An Vi những nhà cai trị thấm nhuần. Triết gia Lương Kim Định đề nghị nền triết lý an vi xây dựng trên quan niệm trống rồng (trống đồng) tức quan niệm về tinh thần đúng cách, thứ thần có khả năng nuôi dưỡng tâm hồn thực sự, triết lý an vi, đưa nước đến chỗ thịnh đạt ơn ích thực sự cho con người.
Phục dựng từ các tác phẩm của triết gia Lương Kim Định. Góp ý: tonphi2021@gmail.com