
Truyện kể rằng, bà Giản Địch nhân lúc đang dạo ngoài đồng nuốt trứng chim én liền có mang sinh ra tổ nhà Thương… thì ta hiểu ngay được rằng khi bà đi hội vào lúc hoa nở “Ngày xuân con én đưa thoi”, nó thoi ngay vào bụng bà nên bà có mang. Sự có mang đó không hề một ai cho là xấu mà còn mừng cho đứa con của bà sau này được tôn lên làm vua nhà Thương. Câu chuyện ấy không còn là hoang đường nếu đem so sánh với Kinh Thi.
Thí dụ bài đầu:
Quan quan thư cưu
Tại hà chi châu.
Bầu khí cởi mở, đàn bà tương đối còn thong dong, ca múa tưng bừng…Nội dung phần lớn thuộc Viêm tộc.
Trong khi đọc với cặp mắt phê phán, ta còn thấy chứng cớ cả về địa vực.
Nếu đọc vội thì ta cho Hán Nho nói đúng khi bảo Kinh Thi thuộc phương Bắc, vì ở phương Bắc gọi sông là Hà (Hoàng hà, Cửu hà), còn bên Nam thì kêu là Giang (Trường giang, Hoài giang, Việt giang…). Chắc nhiều học giả đã nghĩ như thế (ấy là nếu có óc phê bình nhận xét) nhưng khi đọc kỹ liền nhận ra chữ Hà ở đây không là sông mà chỉ là gò ở giữa sông. Vậy dù có chữ Hà cũng không trở ngại việc chỉ cho miền Dương Tử Giang.
Chúng ta nhận ra ngay nội dung Kinh Thi phần lớn thuộc Viêm tộc. Bởi thế cần chúng ta nghiên cứu Kinh Thi. Kinh Thi là quyển Kinh điển của Việt tộc thì là điều có thực, nhưng vì được san định lại nhiều lần, tước bỏ đi có đến 9/10 (ba ngàn bài chỉ giữ có 300) nên bị xuyên tạc đi nhiều. Nhất là còn bị những chú sớ
của Hán Nho (chủ yếu sao chép lại từ học giả có tên là Chu Hy) che đậy rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên cũng còn nhận ra được phần nào vì lối che đậy vụng về, như lưu ý học giả về những điểm vụn vặt (phú, tỉ, hứng) và nhất là luân lý khiến cho người sau khó tìm ra được những ý ban đầu (P.C. 16). Thí dụ việc gán những bài trong Kinh Thi cho Văn Vương, Trang Vương, Hậu Phi, v.v… là chỗ khiến những người mở lối như triết gia Lương Kim Định nóng mặt sừng sừng mỗi khi đọc các chú sớ của lũ Hán Nho. Ngoài ra còn lối đặt tên các nước thuộc phương Bắc, lưu vực Hoàng Hà, để đối chọi với Sở từ thuộc lưu vực Dương Tử Giang miền Nam. Làm như thế có hại vì trước hết giúp cho Vương triều thoán đoạt tác quyền Kinh Thi của Viêm tộc. Đấy là việc làm của Hán Nho. Điều đó sẽ làm cho con cháu sau này không nhìn ra di sản thiêng liêng của mình ở đâu nữa, nên thải bỏ để quay ra học những sách hết sức tầm phào.
Điều này còn được kiện chứng khi ta đọc xuống bài thứ 9 gọi là Hán quảng.
Trên bờ sông Hán ai ơi
Có cô con gái khó ai mơ màng
Mênh mông sông Hán sông Giang
Lặn sang chẳng được bè sang khó lòng.
Sông Hán là chi nhánh sông Dương Tử thì ai cũng biết. Như vậy rõ rệt là địa bàn của thơ châu Nam là miền Dương Tử Giang tức là miền của những châu Kinh, châu Dương, châu Hoài… của Việt Nam cổ đại. Ngoài ra còn một số tang chứng rất lớn xuất hiện ngay từ câu đầu, đó là các loài chim.
Quan quan thư cưu
Tại hà chi châu.
Cưu là một giống chim nước quen sống ở hai vùng Dương Tử Giang và Hoài Giang gồm Cốt Cưu, Quýnh Cưu, Thư Cưu, Cung Cưu và Cưu Cư (là giống không biết làm tổ, phải đi đẻ nhờ tổ chim tước). Dương Tử là miền nhiều chim vô kể, nên chắc vì đó mà tổ tiên ta đã nhận vật biểu điểu, điểu trước nhất đi với vật tổ Tiên, và vì đó xưng là họ Hồng Bàng. Hầu chắc Hồng không cần chỉ hẳn loài chim nào, thí dụ chim nhạn thứ lớn, nhưng chỉ là chim to của miền Trường Giang, có thể vì đấy chữ Hồng kép bởi chữ Giang và Điểu鴻. Hoặc cũng có liên hệ với hai loại chim mà Kinh Thư thiên Vũ Cống câu 10 nói: “Dương điểu du cư” tức là một thứ ngỗng rừng, cũng gọi là chim mặt trời, vì nhân theo độ cao thấp của mặt trời, mà từ Nam lên Bắc, rồi từ Bắc xuống Nam, đưa thoi theo mùa nóng lạnh. Dù sao thì vùng Dương Tử Giang rất nhiều chim. Kinh Thi đã phản chiếu lại hiện tượng đó bằng chim xuất hiện tràn ngập: Thư Cưu mở đầu rồi về sau. Và do đó chim hay đi với việc cưới xin: Lễ hỏi phải có cặp ngỗng rừng hoặc truyền thuyết về các bà mẹ nuốt trứng chim rồi sinh con.
Tóm lại vừa có rất nhiều chim và chim lại gắn liền với việc cưới xin kiểu trực tiếp (gọi là bôn) thì hai điều đó thuộc phương Nam. Còn về thú thuộc du mục (phương Bắc) thì xuất hiện quá ít so với chim. Trong Kinh Thi, thú dữ (thuộc mao phương Tây) xuất hiện quá ít không đủ ghi lại được một hình ảnh du mục nào cả, thế có nghĩa là văn hóa du mục thú đã bị lép vế hẳn trước sức mạnh của văn hóa nông nghiệp chim (đi với Tiên).
Trong Kinh Thi chủ tịch vẫn là chim: chim đi với dân ca, quốc phong (Socio. 76). Các chim được kể đến nhiều là những con hay bay đôi, và cùng ứng đối trong tiếng hót: thí dụ câu “Quan quan thư cư” thì tiếng quan trước là của con cái (nhất âm) tiếng quan sau là của con đực (nhất dương), các câu khác cũng thế. “Ung ung minh nhạn”, “Yến yến vu phi”… nói ngay bài đầu hai chữ quan là đủ rõ: “Yểu điệu thục nữ”, bản tiếng La tinh mới dám dịch sát, là có một mình, còn “Quân tử hảo cầu” là giao cấu: Copulari. Kinh Thi phản chiếu khá trung thực đời sống tình ái phương Nam của Việt tộc.
Lối sống ấy còn thuộc bộ lạc với tục ngoại hôn, và có tính cách cộng đồng: nghĩa là cứ đến mùa xuân, thì tất cả trai gái làng này (mỗi làng một bộ lạc) đến hát với trai gái làng bên cạnh. Tham dự tích cực thì chỉ có các trai chưa vợ gái chưa chồng để hai bên xem mắt nhau trong lúc hát đối; sau đó họ chia nhau từng đôi, vào các lùm cây, hoặc trong bãi cỏ tặng hoa và giao hợp. Sau lần “hảo cầu” mà nếu đàng gái “nở nang tấm lòng” thì đến mùa thu sẽ cưới đàng hoàng, và từ đấy cô cậu biết đi chơi xuân; còn nếu chưa nở nang gì cả thì đến mùa xuân sang năm lại đi hội nữa. Đó chỉ là tục cưới xin lúc xưa, có mang ý nghĩa thiêng liêng là giúp trời đất trong đạo nuôi dưỡng: “tán thiên địa chi hóa dục”. Đó là ý tưởng bàng bạc (tức không ý thức minh nhiên) trong bầu khí trống quân trong các lối hát, các lối hội chùa Lim, v.v… mà ta có thể gọi chung là Hội mùa xuân = “chơi xuân”. Tuyệt không có một ý nghĩ tội tình nào pha trộn: từ khi hát đối, liếc nhìn, chọn lựa đến việc tặng hoa thược dược, hoặc trao mấy cành cây nhỏ bó lại để biểu thị sự đoàn tụ đôi bên và cuối cùng hợp thân, v.v… tất cả đều được làm một cách kính cẩn trang trọng của một cuộc tế tự có tất cả dân làng tham dự, trong không khí tưng bừng của ngày đại lễ, làm bằng ăn, uống, hát, múa trong niềm hoan lạc thiêng liêng.
Truyện Thánh Gióng, bà mẹ của Phù Đổng đạp lên lốt chân người to lớn, bụng to và sinh con. Y như chữ Parthenos của Hy Lạp thường được dịch là “đồng trinh” mà sinh con, nhưng chính nghĩa là trai gái lấy nhau không qua trung gian mai mối. Người Việt đã chấp nhận lối sinh con ngoài hôn phối. Luân lý thanh giáo Bắc phương không chấp nhận, hậu quả thì như chúng ta đang thấy ngày nay. Đợt duy vật sử quan thì coi trọng ai là con của ai, một di sản là của dân tộc nào. Trong triết Việt, một bài thơ của dân tộc nào không quan trọng bằng phong cách sống mà bài thơ đó mang lại.
Bầu khí của quốc phong phần lớn là thuộc miền Trường Giang, quê hương của muôn loài chim, của tình ái ân không đi qua mai mối, nhưng được bộc lộ một cách chân thành bằng những câu nói mộc mạc mang đặc tính chất phác nhưng trầm hùng sáng sủa và sau này trước sức lấn át của Bắc phong, tinh thần đó vẫn còn có thể phục hồi.
Tôn Phi.
Viết tại Đà Lạt, năm 2020.
Văn học và ngôn ngữ K14. 2014-2018
Phục chế lại từ tác phẩm của triết gia Kim Định.
tonphi2021@gmail.com
Bài viết đã được đưa vào sách Giáo trình văn học Trung Quốc của nhà văn Tôn Phi đã phát hành trên Amazon:
Đặt mua sách tại nhà văn Tôn Phi.
Giá sách in: 400 000 VNĐ. Giá sách PDF: 250 000 VNĐ.
Số tài khoản nhận tiền đặt sách: 142720499-Ngân hàng ACB-Chủ tài khoản: Tôn Phi.
Paypal hoặc Payoneer: tonphi2021@gmail.com
Trợ lý: tonthanck@gmail.com
Trân trọng cám ơn quý bạn. (Một số trường hợp được phép nhận sách trước và trả tiền sau).