
Bài vịnh tam tài
Trời Đất sinh Ta có ý không?
Chưa sinh Trời Đất có Ta trong.
Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh.
Trời Đất in Ta một chữ Đồng.
Đất nứt, Ta ra, Trời chuyển động.
Ta thay Trời mở Đất mênh mông.
Trời che Đất chở Ta thong thả.
Trời Đất Ta đầy đủ hóa công.
Giải nghĩa rộng:
Trời Đất sinh Ta có ý không?
Thưa không có ý nào hết, cái đó vượt tầm Trời Đất, vì cùng với Ta xuất phát ra một trật tự cõi Tiềm thể u linh: “thiên địa dữ ngã tịnh sinh”. Trời Đất với ta cùng sinh làm sao có ý được. Tuy nhiên nếu cưỡng lý mà nói theo trước với sau thì Ta ở giữa Trời Đất hoặc như sản phẩm của cuộc linh phối (hierogamie) Đất Trời, hoặc như Trung gian cho hai bên giao hợp hội thông. Đó là sứ mạng trao cho Người cũng như cho Trời cho Đất do Đạo, mà ta hay gọi là Tiên thiên Tiềm thể nghĩa là trước cuộc đại tạo ra đất trời. Thực ra nói trước sau, tiên thiên hậu thiên là lối biểu diễn của con người trong cõi hiện tượng bị lệ thuộc vào thời gian không gian. Chứ thực ra ở cõi Tiềm thể chỉ có một Hiện Tại MiênTrường, không có sau có trước chi cả.
Chưa sinh Trời Đất có Ta trong. Ta đây viết bằng chữ hoa, tức chính là tiên thiên lược đồ là cái lý tưởng uyên nguyên nằm trong Nhất Thể mà thần thoại kêu là Bàn Cổ có khi gọi là Đại ngã tâm linh, nó không lệ thuộc trời hay đất nhưng là tính bản nhiên con Người muôn thuở có trước cả cuộc đại tạo. Vậy chớ hiểu là cái ta bé mọn hiện tượng, nhưng là Ta cao cả như câu ba.
Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh. Sánh là sánh bằng vai, không ai hơn ai kém, chẳng qua cũng là đồng xuất hoạt như nhau, kiểu này kiểu nọ đều là sức huyền vi phong phú vô biên nhưng quy vào ba mối lớn là Thiên, Địa, Nhân.
Trời Đất in Ta một chữ đồng, nghĩa là đồng quy về Nhất Thể, một Thể u linh siêu hình, siêu tượng, vô thanh vô xú, không thể đem lý trí suy luận vào đây mà ngo ngoeo tìm hiểu, vì chỉ là trò trẻ lấy vỏ sò đòi tát cạn nước Trùng Dương, sinh ra những thuyết phiếm thần thô bỉ ứ đọng. Ứ đọng vì đánh mất lưỡng nghi tính nên giản lược thực Thể vô biên vào những phạm trù nhỏ hẹp nhân vi, tạo tác, tạo xạ, tạo hoẹt.
Đất nứt Ta ra Trời chuyển động. Hãy chừa thói xấu nhị nguyên chỗ nào cũng muốn đối tượng hóa. Ở đây là bầu khí tương giao mãi từ trên cấp vương giả không có đối tượng nào hết, chỉ có chủ thể và xuất hoạt: ba chủ thể và ba xuất hoạt, ba động từ. Vậy đừng nhăm nhe hiểu đất nứt ra Ta theo lối Đất là chủ thể đẻ ra ta là đối tượng: hạ tầng cơ sở đẻ ra thượng tầng kiến trúc, đó không phải là truyền thống tam tài. Nhưng phải hiểu đất nứt Stop. Ta ra, chấm tròn. Trời chyển động, xuống dòng.
Ta thay Trời mở Đất mênh mông. Trong tam tài không có mối tương quan lệ thuộc như đã nói ở câu trên, vì cả ba thông hội nơi Tiềm thể. Tuy nhiên câu này như biểu thị một sự trội hơn của tài Nhơn, bao giờ cũng chiếm hai nét còn Thiên một, Địa một. Vì chúng ta đang ở trong đất của nhơn hoàng nên có thể “thay trời” để “mở đất” nhưng là mở đất trong cõi người ta, nghĩa là đi sâu mãi vào bản năng, tiềm thức để mở rộng cõi tâm thức con người hầu đưa trời xuống đất, đưa siêu linh vào thế tục nên gọi là “thế Thiên hành đạo”= Thay mặt trời mà hoàng dương đạo nghĩa.
Trời che Đất chở Ta thong thả. Ta an nhiên tự tại: “quân tử thản đãng đãng”, việc chi phải sợ đứa nào? Có đáng kể chăng là Trời với Đất. Thế nhưng trời đất có chống ta đâu, bồ cả mà lị, trời thì che đất thì chở, còn chi hơn được nữa, nên chỉ việc ung dung phó thác: “nhân giả bất ưu, bất cụ”: Người giữ được đạo nhân không có sợ. “Quân tử vô nhập nhi bất tự đắc yên” (T.D.14): “Người quân tử ở vào cảnh nào cũng có thể an vui”, vì vẫn ý thức được địa vị cao cả của mình trong trời đất cho nên câu kết rằng:
Trời Đất Ta đây đủ hóa công. Ba tài ấy, ba hoạt lực ấy biểu lộ tất cả cái sức sống mênh mông đầy sáng tạo sinh hóa trong một sự hợp tác thân mật tự căn cơ, luôn luôn có nhau và luôn luôn lấy người làm nơi hội họp, bầu người giữ chức thiên địa chi giao, mãi mãi làm tổng thư ký của liên hiệp uyên nguyên, để duy trì mối Thiên quân cơ bản.
Đó là đại ý bài thơ rất khéo diễn tả một quan niệm về con người cân đối nhất trên trần đời. Cần đọc lại nhiều lần, đối chiếu với các loại quan niệm khác về người, cái thì thọt cái nghiêng, lúc đó chúng ta mới nhận ra sự tế vi thâm diệu của câu “nhân giả nhơn dã” và chúng ta sẽ hiểu hơn rằng việc nói “lý thuyết” trong triết lý là chuyện không còn gì khó hơn. Nên trong từng trăm câu định nghĩa con người chưa chắc đã chọn được dăm ba câu đủ quân bình từ đợt căn để.
Lương Kim Định.
Chú thích của ban biên tập:
Bài luận này trích trong chương 5 cuốn Nhân Bản của giáo sư Lương Kim Định, in năm 1965.
Tác giả bài thơ của bài thơ vịnh Tam Tài là Trần Cao Vân (1866–1916) là một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp tại Trung kỳ Việt Nam, do Việt Nam Quang Phục Hội chủ xướng.

Tác giả: Lương Kim Định.
Trợ lý: Tôn Phi
tonphi2021@hotmail.com
Phone, Whatsapp, Signal: +84344331741.
Tôi thích bài nầy!
ThíchThích