Vương Đằng:
(Trích từ “Phong Tục Miền Nam”, sắp xuất bản, của Vương Đằng)
Tại sao gọi là Tết Nguyên Đán?
Tết đọc trại từ chữ Tiết; Nguyên có nghĩa là đầu; Đán là buổi sớm mai. Vậy Tết Nguyên Đán là thời tiết buổi sớm mai đầu tiên của một năm. Nguyên Đán đồng nghĩa với Nguyên Nhật; vậy có gọi Tết Nguyên Đán là Tết Nguyên Nhật cũng được, nhưng qua bao nhiêu thế hệ mọi người Việt Nam quen gọi là Tết Nguyên Đán và thường gọi tắt là Tết.
I. NGUYÊN ỦY VÀ VẬT THỰC:
- NGUYÊN ỦY:
Xét về nguyên ủy hay nguồn gốc, chúng ta hãy
nghe ý kiến của Thái Văn Kiễm:
“Lễ Nguyên-Đán hay nói nôm na là ngày Tết, lấy nguồn gốc từ đời Ngũ-Đế Tam-Vương, nhưng ngày tháng lại khác, không như bây giờ:
Đời Tam-Vương, nhà Hạ ưa chuộng màu đen, thì chọn đầu tháng Dần là tháng đầu để ăn Tết. Còn nhà Thương ưa thích màu trắng, lại lựa tháng Sửu là tháng chạp. Đời nhà Châu ưa sắc đỏ, lại chọn tháng Tý là tháng mười một.
Các vua chúa nói trên, theo ngày giờ, lúc mới tạo thiên lập địa, nghĩa là giờ Tý thì có trời, giờ Sửu mới có đất, giờ Dần sinh loài người mà đặt ra Tết khác nhau.
Qua đời Đông châu, Đức Khổng-Phu-Tử theo nhà Hạ, đổi ngày Tết vào tháng Dần để cho thiên hạ ăn Tết nhứt định. Nhưng nó không được để yên, vì lẽ đến đời nhà Tần, tháng Tết lại nhảy qua tháng Hợi, tức là tháng mười.
Cho đến khi nhà Hán lên ngôi trị vì thiên hạ, theo chủ trương của Đức Khổng-Phu-Tử, lấy tháng Dần là tháng Giêng để thiên hạ ăn Tết, làm ngày nhất định cho đến ngày nay.
Hơn nữa các vua chúa đều nhìn nhận, trong một năm có bốn mùa là xuân, hạ, thu, đông, mà chỉ có mùa xuân là tươi đẹp hơn cả, khí trời mát mẻ, êm đềm hơn.
Đời nhà Hán, ông Đông-Phương-Sóc cho rằng ngày tạo thiên lập địa, có thêm giống gà, ngày thứ hai thêm chó, ngày thứ ba sanh heo lợn, ngày thứ tư sanh dê, ngày thứ năm sanh trâu, thứ sáu sanh ngựa, thứ bảy sanh ra loài người, thứ tám sanh ra ngũ cốc . . .” 1
Đó là nguồn gốc Tết Nguyên Đán. Ở Việt Nam chúng ta chưa biết dân mình bắt đầu ăn Tết từ thời nào nhưng chắc chắn đã xa xưa và từ lai lịch Trung Hoa; Tết Nguyên Đán đã hoàn toàn trở thành một phong tục bền vững của người Việt chúng ta và theo Ngọc Tâm2, hiện nay Tết Nguyên Đán là một cái Tết đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên chúng ta cũng nên biết rằng trên thực tế, người Tàu (ở Trung Hoa, Đài Loan) và dân chúng Đại Hàn cũng ăn Tết Nguyên Đán cùng ngày với người Việt chúng ta.
Đó là gốc tích xa xưa theo sách vở. Còn đối với đại đa số người dân miền Nam, Tết Nguyên Đán mang những mục đích và ý nghĩa thực tế hơn.
Miền Nam ít sống theo tổ chức đại gia đình như người Tàu, con cái lớn lên có gia thất cha mẹ thường cho ra ở riêng, ngoại trừ đứa con trai đầu (thứ hai) hay cậu út ở để chung lo phụng dưỡng cha mẹ. Bà con quyến thuộc nội ngoại kẻ đông người tây, kẻ Sài Gòn người Lục Tỉnh. Tết là một dịp gia đình đoàn tụ bên bàn thờ ông bà, bao nhiêu tâm sự, bao nhiêu chuyện làm ăn gặp gỡ vui buồn được cơ hội thố lộ với những người gia quyến.
Hồi xưa, vào thế kỷ XVIII, XIX và đầu XX, dân miền Nam quê mùa lam lũ với ruộng vườn rẫy rừng, tràm mấm, quanh năm tay lấm chơn bùn eo sèo gò nước, chỉ mỗi lần Tết đến người ta mới nhơ,ù mới dám quét tước nhà cửa, dọn dẹp đồ đạc, chưng dọn bàn thơ øtổ tiên, ông Táo, ông Thổ địa một cách chu đáo. Đồng thời chỉ chờ Tết, khi lúa đã vàng đồng hay đã đầy bồ, nợ nần trang trải, sưu thuế xong xuôi, người ta mới nghỉ xã hơi thật sự; và trong cái dịp “lâu lâu mới có một lần” đó người ta mới dám nhậu lu bù, chơi bời đàn địch, cờ bạc thả giàn.
Sau khi tìm hiểu nguyên ủy cũng như ý nghĩa, chúng ta cùng quan sát dân miền Nam ăn Tết Nguyên Đán như thế nào vào hai khía cạnh: vật thực và tục lệ. 3
- VẬT THỰC:
Chúng tôi xin phép chỉ điểm sơ qua, hẹn ở phần II sẽ đề cập đến
phẩm vật thực phẩm đầy đủ hơn.
- Phẩm vật:
- Trên bàn thờ: Phẩm vật được gọi là đồ thờ. Tết đến, đồ thờ ít
được sắm sửa thêm (ngoại trừ trường hợp bị bể, hư) nhưng luôn luôn được đem xuống lau chùi kỹ lưỡng.
Quan trọng và ngán nhứt là chùi đỉnh lư và cặp chưn đèn. Thuở xưa (trước 1990) làm gì có dầu chùi bóng như bây giờ; người ta bèn đem trái khế chua đập giập lấy nước trộn với tro bếp; rồi lấy cặt bần làm miếng chấm cọ sát, bao nhiêu ten sét rỉ đồng đều đi tuốt. Khoảng đầu thế kỷ XX đến 1945, ở thị thành ưa xài dầu bóng hiệu Tây U là “chiến” nhứt. Giỏi chùi đã được khen nhưng biết trau lư mới quý hơn, nghĩa là khi mua phải chọn kỹ lư không bị tì vết và khi xài chùi tránh trầy sướt; thành thử khi chùi lư, con cháu đứa nào mạnh tay cẩu thả dễ bị “kí” đầu.
Lo bộ lư xong phải lau quét di ảnh ông bà, bức đại tự, tranh sơn thủy, bàn thờ. Rồi tới súc rửa, nào quả tử lộc bình, nào ly, chung, chén dĩa, dĩa thờ.
b. Trong nhà cửa: Nếu nhà quá nghèo thì cái gì cũ cũng đem ra rửa, lau chùi hay sửa xài đỡ. Thường trong dịp Tết, dân làng ưa sắm cái mới những vật dụng
sau:
— Liễn đối: là thức đầu tiên được mua hay viết lại mới. Trước khi bước vô nhà, thường ít ai để ý đến liễn đối, không phải không có mà vì màu sắc đã mờ nhạt (bị ảnh hưởng của khói nhà bếp và thời gian), có khi bị mất đầu rách đuôi; nhưng vào dịp Tết, cặp liễn đỏ thắm chữ đen hoặc vàng, bạc dán dọc hai cột cửa chính đập vào mắt mọi người:
“Môn đa khách đáo thiên tài đáo
Gia hữu nhân lai vạn vật lai”.
Nhà kia rực rỡ với câu đối hai bên cột cái:
“Tân niên hạnh-phước bình an tấn
Xuân nhựt vinh-huê phú-quới lai”.
Có những cột gỗ mục như sắp gãy được che đậy với dăm câu như:
“Thiên tăng tuế ngoại nhơn tăng thọ
Đức mã càn khôn phước mãn môn”. 4
Tư gia nào trước sân có vườn hoa với ao sen với hòn non bộ nho nhỏ, chắc chủ nhà không quên dán cặp liễn:
“Sơn-thủy thanh cao xuân bất tận,
Thần-tiên lạc thú cảnh tràng sinh”.
Có xuân mới có Tết, nên Tết đến là dịp người ta
treo câu đối tán tụng mùa xuân:
“Xuân như cẩm-tú nhân như ngọc,
Khách mãn gia-đình, tửu mãn tôn”.
Mỗi lần Tết nhứt là mỗi lần dân làng có quyền tin tưởng sau một năm lao lực, người người hy vọng tương lai được hưởng những ngày yên bình và những ngày xuân trăm sự tốt lành theo sở nguyện:
“Niên niên như ý xuân,
Tuế tuế bình an nhựt”.
Và hằng chục câu đối khác được viết khắp đó đây, nói lên bao nguyện vọng:
“Phước sinh lễ-nghĩa gia-đường thạnh,
Lộc tiến vinh-huê phú-quới xuân”.
Phước lộc nhà nầy mong mỏi, còn người khách thích có phước phải kèm theo đức nên dán câu:
“Phước mãn đường, niên tăng phú quới,
Đức lưu quang, nhựt tấn vinh-huê”.
Tóm lại, nhận xét riêng về đối, liễn Tết, chúng ta thấy miền Nam ít xài hơn miền Bắc, nội dung tương tự miền Bắc và Trung (chỉ khác ở chỗ đọc: phúc thành phước, nhật thành nhựt, thịnh hành thạnh, v.v..). Liễn, đối Tết ở miền Nam từ sau đệ nhứt thế chiến đến nay, càng ngày càng ít được dân chúng thưởng thức, vì hầu hết viết bằng chữ Hán: đại đa số nhơn dịp Tết người ta mua của thầy đồ, thầy Tàu những câu liễn đối viết sẵn bán ngoài phố chợ đem về treo, dán cho rậm đám, vui cửa, vui nhà.
Thỉnh thoảng cũng có đôi câu đối Nôm như:
“Đỏ đen đôi ba ngày Tết,
Mặn lạt năm bảy ngày chay”.
Đặc biệt ở Cà Mau có dán liễn “trên cây cột cắm bàn Ông Thiên, ngoài vườn trên thân mấy cây cau, dừa, mít, ổi cho nó sai trái”. 5
— Rèm cửa: Dù cửa chính, cửa sổ hay cửa buồng, ngày xưa rèm cửa gồm hai mảnh, khi thả thì vắt qua hai bên, không có kiểu một mảnh, kiểu rèm cửa lỡ (lưng chừng cửa), kiển màn kéo như bây giờ. Xưa, rèm cửa tránh máu trắng trơn (màu của tang chế!), thích trắng cũng phải thêu đệm màu mới không bị dị nghị.
— Bộ tranh tứ thời: bằng giấy, thuở xưa, có khi vẽ trên vải lụa, vì vẽ tay nên nhà khá giả mới có, còn từ sau 1945 người ta in sẵn bày bán nên nhiều người cũng thích mua về chưng trong nhà, vừa đẹp vui, vừa có tính cách giáo dục.
Tuy nói là tranh tứ thời, tức phải vẽ cảnh bốn mùa, bốn thứ (như mai, lan, cúc, trúc hay ngư, tiều, canh, mục), nhưng dần dần cảnh bốn mùa nhường bước cho truyện tích như Phạm-Công Cúc-Hoa, Lục Vân Tiên, Con Tấm Con Cám, Trần Minh khố chuối, Đức Phật Thích Ca, v.v..
Còn các tranh rời từng tấm như tranh Lã Vọng, Tiến Tài, Tiến Lộc, Vũ Định, Thiên Ất, Lý Ngư vọng nguyệt, v.v.., mà dân miền Bắc thích chưng, lại ít được dân miền Nam ưa chuộng, chỉ trừ thiểu số trí thức trưởng giả.
Có nhiều nhà xài kỹ, hết Tết, tranh cũng nghỉ treo, để dành sang năm xài nữa cho đến khi cũ mèm mới chịu mua tranh mới.
— Tấm nấp bàn: Ngày xưa, tấm nấp bàn bằng vải bông (nếu vải trắng thì hiệu 999 tốt nhứt!), ít bằng ny lông như bây giơ.ø Nhà nào sang trọng thì nấp bàn bằng tơ hàng nỉ nhập cảng có viền tua mỹ miều, trên mặt có thêu hoa, phượng, long, lân rực rỡ (màu đỏ và vàng nổi bật!).
— Bông chưng: Chưng trong lục bình trên bàn thờ ông bà thường có vạn thọ làm chuẩn, đệm bông trắng. Trên bàn thờ Phật, người miền Nam ưa chưng bông sen. Còn các bàn thờ khác (thường nhỏ) chỉ một bó vạn thọ đã chật lục bình. Bàn thiên thường được chưng bông trắng hay vạn thọ. Kể từ sau 1945, ở thị thành có nhiều nhà thích huệ thì chưng bàn thờ giữa và bàn thờ Phật toàn bông huệ trắng kèm nhành dương liễu giả (lấy điên điển thay thế) nho nhỏ; còn các bàn thờ khác cũng vàng ối vạn thọ. Đôi ba nhà có đệm thêm nhánh mai giữa lục bình.
Còn giữa gian nhà trên (tức phòng khách), nhà nào khá giả dám chưng cả một gốc mai cao một hai thước, bông rớt vàng nền; nghèo nghèo kèm hai cột một cặp chậu cúc, vạn thọ, mồng gà, ớt kiểng, quít kiểng, v.v.. Ở ngoài sân, tùy nhà có đất vườn thì trăm hoa, cây kiểng khoe sắc. Nhà ở chật hẹp thì cũng có đôi chậu hoa kiểng tươi thắm khác với thường ngày.
— Phục sức: Trẻ con nhứt định phải được may sắm dù cha mẹ giàu nghèo; nghèo một bộ, tối thiểu cũng có cái áo mới; giàu thì hai ba. Màu sắc rực rỡ, đó là đặc tính của áo quần trẻ con, nhứt là trong dịp Tết. Xưa, trong mấy ngày Tết, con trai con gái mang guốc (ở nhà quê, thường ngày đi chân không, ngoại trừ con nhà giàu!); con gái kèm thêm đôi bông, kiềng vàng hay đồng.
Trai tráng, thanh, thiếu nữ chỉ chịu thua trẻ con về màu, chớ đến Tết mà thiếu bộ đồ mới là một điều quá buồn (có khi cảm thấy mắc cỡ). Ở thế kỷ XIX, chưa biết xài mỹ phẩm, chỉ xức dầu dừa; nhưng qua đầu thế kỷ XX, các cô đã biết xài dầu thơm Cô Ba, vòng vàng lắm kiểu, nào khâu vàng, cà rá kiểu chữ ngẫu (ngũ), kiểu liên huờn, dây chuyền nách, v.v..
Còn đối với ông già bà cả có thể khỏi cần sắm sửa, nhưng Tết là một dịp để họ đem áo quần giặt chải sửa soạn vén khéo. Trước thời Tây đô hộ làm gì có bàn ủi thì ông bà chúng ta cứ vuốt cho ngay rồi xếp lại, dằn dưới giường năm ba ngày, một tuần lấy lên cũng láng o.
Từ đầu thế kỷ XX đến 1945, những người học đòi văn minh Âu Tây, bắt chước thực dân ăn vận lắm mốt. Bên đàn ông có quần lãnh đen, giày hàm ếch, áo bành tô hoặc mặc quần lụa trắng, có dây nịt nỉ đen, giày ăn phón , cà la oách, áo u ve, cầm can hoặc thêm trên đầu cái nón nỉ hay quấn khăn nhiễu đầu rìu, miệng ngậm xì gà (hoặc ống đót hình chữ S là quá bảnh tẻn!). Bên phái yếu bắt đầu để móng tay dài (nhưng ăn trầu xỉa thuốc!), mặc quần lãnh trắng mướt và vài cô, thím dám “phi-dê” cái đầu.
2. Thực phẩm: gồm bánh mứt, trái cây, xôi chè, món ăn, thức uống. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến thực phẩm được dùng trong dịp Tết trước 1945, vì sau đó đến nay người dân miền Nam không còn ăn Tết như xưa: Từ 1945-1975 (ngoại trừ khoảng thời gian ngắn ngủi 1955-1959) vì chiến tranh nên người dân vội vàng ăn Tết và biết bao nhiêu thực phẩm nhập cảng và từ 1976 đến nay phong tục và hoàn cảnh thay đổi, cộng thêm đồ ngoại hóa quá nhiều.
Thuở xưa, ở làng quê, Tết đến khắp thôn làng rộn rịp làm bánh. Bánh tét đứng đầu, nhà nhà treo tòn ten. Đầu nầy tráng bánh, bánh tráng mỏng chiếm đa số, rồi bánh phồng. Đầu kia xúm xít gói bánh ích (ếch), đổ bánh tổ. Còn phải ra chợ mua thêm bánh quy, bánh cúng, bánh cấp (cặp), bánh bò, bánh thuẫn (thửn), bánh da lợn, v.v.. Nhà nào có thời giơ ø và đủ vật dụng lo làm mứt dừa, mứt bí hoặc thêm mứt gừng; còn các loại mãng cầu, me, cà, khoai lang, v.v., mới được bày đặt chừng sau 1945; không làm thì ra chợ mấy chú Chệt bán cho. Trong loại mứt phải kể đến hột dưa nhà nhà đều mua, các cô, các thím ưa lắm; thỉnh thoảng có nhà dùng hột bí rợ khô ăn béo hơn.
Khách vô nhà ai trong ba ngày đầu năm, nhìn lên bàn thờ, chắc chắn sẽ thấy dĩa quả tử đầy ắp trái cây. Nổi nhứt là mấy nải chuối mới chín hoặc xanh xanh; bên trên chồng chồng đu đủ, cam, vú sữa, quít, mận, có nhà thêm nhánh sung để nói ý mong nhà mình sang năm phát đạt đầy đủ. Trái cây phần lớn là cây nhà lá vườn; đặc biệt ở miền Nam, có Tết phải có bán, mua, cúng, ăn dưa hấu (ăn với muối chớ không ăn với đường như ở miền Bắc). Những nhà khá giả hay ở phố chợ thích chưng thêm trái cây nhập cảng của Tàu: cam Tiều, hồng tươi hay khô, nhãn khô, vải khô, v.v..
Trên bàn thờ khi dọn cúng chúng ta còn thấy xôi chè.
Bàn thờ Ông Táo, Thổ địa, Thần tài hay được cúng chè ỷ ít tốn kém vừa dễ làm; bàn thờ ông bà hay dọn chè nếp, chè trôi nước (đọc trại là xôi nước), đậu xanh hay đậu trắng.
Xôi phải kể xôi đậu xanh thông dụng; nhà nghèo nấu xôi nếp trơn, xôi lá cẩm; và đi chợ khi lại hàng bánh bà nội trợ phải nhớ mua thêm xôi vị.
Trong dịp Tết lo đồ Tết, quan trọng nhứt là thức ăn, vì quanh năm dân làng ăn uống qua loa (trừ khi có giỗ quảy, cưới hỏi!); Tết đến là dịp để mọi người mặc tình ăn nhậu.
Mâm cơm cúng ông dù dù mạt rệp bao giờ cũng gồm ít nhứt ba bốn món phổ thông: cá thịt kho, dưa giá, canh chua cá lóc, mì, bún, hủ tiếu xào, cá trê chiên dầm nước mắm gừng, v.v.. Nhà kha kha có thêm canh lòng gà bún tàu, gỏi gà xé phay, cháo vịt, chả, nem, bì, v.v.. Miệt Hậu Giang ưa dùng dưa bông điên điển, dưa môn, bông sún. Dân khá giả, dân chợ thích mua thêm: khô nai Biên Hòa, thịt phơi khô hay lạp xưởng hiệu Xảo-Ích-Hữu-Ích hoặc lạp xưởng Nam Vang, thịt vịt phơi khô. Khu Chợ Lớn hay tỉnh lỵ, quận lỵ có nhiều con cháu Trung Hoa lai nhiều đời sinh sống, thức ăn pha nhiều món Tàu theo kiểu nấu bát trân như: kim châm, nấm mèo, tàu hủ ky, đồm độp (đột đột), gân nai, bào ngư khô, v.v..
Ăn phải đi với nhậu mới đúng điệu. Trai tráng, nhứt là người đứng tuổi và mấy ông già, ăn ít mà nhậu ắp lút. Rượu đế “làm đầu”, nhà nhà đầy lít, phổ thông từ trươc hồi Pháp thuộc. Ngũ gia bì của Tàu cũng được qua miền Nam từ lâu. Rượu ắp xanh mới có khi Pháp lập hãng rượu ở Chợ Lớn (hãng rượu Bình Tây); dân chợ mới nhậu. Mai quế lộ mới có sau 1954. Nhà trưởng giả, dân thầy chú theo thực dân ưa khai vị bằng rượu chát (hiệu Bordeaux phổ thông); rượu cổ nhác (hiệu Martel là sang nhứt!) uống giữa tiệc đến “quắt” mới thôi.
Cuối cùng, trừ trẻ con, ai ai cũng uống trà sau khi tráng miệng bánh mứt. Hồi xưa, trà Blao (Bảo Lộc) chưa được thông dụng; trà lá chỉ nhà nào có vườn mới trồng dăm buội; hầu hết dân miền Nam uống trà Tàu (trước 1945 trà Tàu hiệu Kim Huê nổi tiếng miệt Hậu Giang). Con nít thì nốc nước mưa cũng đã đời.
II. TỤC LỆ:
1. Đối với các đấng thiêng liêng: trong thời gian Tết Nguyên Đán không có tục cúng riêng Trời, Phật, Thần, Thánh như ngày vía, mùng một, ngày rằm, nên chỉ khi nào dọn cơm cúng tổ tiên dân miền Nam bày thêm trên bàn Thiên, bàn thờ Phật, Thổ địa, Thần tài, Táo quân một bình bông nhỏ, một dĩa trái cây, ba chung nước, hoặc thêm bánh mứt, xôi chè và đốt ba cây nhang. Sáng mùng ba6 nhà nhà ra sân dọn mâm cúng ba vị Hành Khiến (gồm: Hành Khiến, Hành Binh, Phán Quan) 7 gọi là cúng đầu năm hay cúng ra mắt. Mâm cúng gồm có: một con gà, dĩa trái cây, chè xôi, bình bông, nhang đèn và hai bộ đồ thế (một bộ nam cho chồng, một bộ nữ cho vợ). Tuy nhiên, chiều tối ngày cuối năm (30 hay 29 Tết tùy năm) trong lễ rước ông bà và hôm mùng bốn Tết cúng tất, người ta có bày thêm một mâm đồ mặn để cúng Thổ địa, gọi là cúng “đất-đai viên-trạch” và dân làng không quên thỉnh Ông Táo đi chầu trời về cùng một lượt với lễ rước ông bà.
Thuở xưa đúng mùng ba, dân làng quê miền Nam mới đi chùa, miễu cúng bái Phật, Tiên, Thần, Thánh, chỉ trừ dân Chợ Lớn, Sài Gòn, Gia Định có tục đi viếng Lăng Ông Bà Chiểu và xin xâm ngay từ lúc giao thừa. Kể từ sau 1945, dân làng ưa đi chùa từ sáng mùng một lai rai đến chiều mùng ba. Khi lễ bái chùa chiền, bà già và phụ nữ chiếm đa số, dân làng mang theo nhang đèn, ai dư giả hay sùng bái dâng thêm hoa quả, bánh mứt; còn cúng điện, lăng, miễu, ngoài nhang đèn, hoa quả, bánh trái có khi người ta dâng cúng hay làm lễ tạ bằng đồ mặn như đầu heo, gà, vịt, v.v.. Riêng giới trẻ, nhứt là trai tráng đi lễ chùa, miễu không mang lễ lộc cũng không ai dị nghị.
2. Đối với người đã chết: Ngày Tết có thể coi như ngày giỗ hội, ngày kỵ cơm cho tất cả mọi người trong dòng họ nội ngoại đã khuất mặt mà cũng là thời gian dài nhứt trong một năm mà người sống mời vong linh của tổ tiên, ông bà, chú bác, cô dượng, em cháu về xum họp với con cháu, với gia đình. Bởi vậy, tục lệ đối với những người đã chết, trong mấy ngày Tết được mọi dân làng chú trọng và thi hành nghiêm chỉnh (trong những năm loạn lạc giặc giã về vật chất hình thức có sơ sót, nhưng tinh thần vẫn như xưa).
Từ 23 tháng chạp lần lừa đến sáng 30 (hay 29) nhà nhà mua sắm, quét dọn, chưng diện bàn thờ, đồ thờ và mọi ngõ ngách, vật dụng cho thật sạch sẽ, tươi sáng để chuẩn bị đón tiếp người khuất mặt.
Chiều tối 30 (hay 29), nấu nướng xong xuôi, vợ chồng con cháu tựu họp đủ mặt là bắt đầu dọn đồ cúng để làm lễ rước ông bà.
Bao nhiêu món ngon vật lạ bày ra: bàn thờ chính giữa một mâm (để cúng cửu huyền thất tổ), hai mâm cho hai bàn thờ nhỏ bên phải, bên trái (để cúng bà con bên nội bên ngoại), trên bàn nước kế bàn thờ lớn một mâm (để cúng đất đai); ngoài ra, trên bộ ván hay chõng tre bên trái hoặc bên phải bàn nước cũng có bày thêm một mâm nữa (để cúng các vong linh, vai ngang hay vai nhỏ hoặc bà con dòng họ mà không có thờ trên hai bàn thờ nhỏ), vị chi là năm mâm (ở phố chợ, thị thành nhà cửa chật hẹp thường ba mâm vì chỉ có bàn thờ ông bà). Nói là mâm chứ thường trên ba bàn thờ, các món ăn được bày lan tràn theo chỗ trống, vì đồ thờ nhiều, bàn chật không thể để mâm (có khi phải để chồng đồ ăn lên nhau vì thiếu chỗ!). Mỗi mâm cúng phải có một lư nhang, cặp chưn đèn (không có thì úp ngược chén, lấy chai, lấy lon dùng tạm), ba chung nước, ba chung rượu, ba đôi đũa (riêng mâm cúng trên ván phải có cả bó đũa vì rước nhiều vong).
Bày biện xong, nhang đèn hương trần nghi ngút, gia chủ ra làm lễ rước ông bà. Theo Việt Cúc thuở xưa ở Gò Công (có thể ở nhiều tỉnh khác) lễ rước ông bà diễn ra như sau: “Con cháu đều khăn áo chỉnh tề, theo người gia trưởng đi trước, cầm hai cây mía lau, hoặc trúc, thẳng ra cửa ngõ. Bưng một cái khai hộp, có đèn nhang và trầu rượu, đứng khấn vái và kính thỉnh Tổ-tiên nhân ngày Tết ngự về hâm hưởng tửu soạn của con cháu dâng lễ mừng xuân. Chốc lát người gia-trưởng đi trở vào nhà, con cháu thứ tự theo sau, để khai nhang đèn lên giường thờ, thỉnh vong linh Tổ-tiên an-vị.
Rồi con cháu lớn nhỏ quì bái tạ và dựng hai cây gậy lau dựa hai bên bàn thờ, để cúng-kỉnh ba bữa”. 8
Còn theo phong tục trước 1945, gia chủ ăn mặc chỉnh tề, đốt nến và bó nhang, đứng trước bàn nước có mâm cúng đất đai, quay mặt về bàn thờ lớn, hai tay kẹp chặt bó nhang mới đốt đưa lên ngang trán, xưng họ, tên, lý lịch, khấn nguyện đất đai viên trạch, xin phép rồi kỉnh rước vong linh tổ tiên, ông bà, dòng họ về chung vui ăn Tết với gia đình. Đoạn gia chủ cắm nhang từng mâm, đầu tiên là mâm đất đai, bàn thờ chính, bên nội, bên ngoại, mâm trên ván, mỗi mâm xá ba xá rồi trở về chỗ cũ bái tạ bốn lạy ba xá.
Sau gia chủ, đến vợ và con cháu, lần lượt kỉnh bái ra mắt tổ tiên với bốn lạy ba xá, khỏi đốt nhang, khỏi đi xá từng mâm cúng. Tiếp đến gia chủ châm rượu ở các mâm, châm ba tuần rượu, nhang gần tàn thì đổ các chung nước lạnh để châm trà. Đợi nhang tàn, gia chủ ra đại diện gia đình bái tạ bốn lạy ba xá là xong lễ rước ông bà. Tắt đèn, dọn thức ăn vén khéo, cả gia đình quây quần ăn uống vui vẻ.
Qua các ngày sau, cho đến khi cúng tất (cúng tiễn) mỗi ngày hai lần (thường vào sáng và chiều), gia chủ nhắc gia đình dọn cơm cúng đơn sơ hơn lễ rước ông bà và nhang đèn được canh chừng đốt chong suốt ngày.
Nếu nhà nghèo thì mùng bốn, nhà giàu mùng bảy cúng tất, nghĩa là làm lễ đưa vong linh tổ tiên trở về cõi khuất bóng. Từ 1945 đến nay, dân ở phố chợ sống với nghề công chức, quân nhân, lao động, thường cúng tất vào mùng ba để sáng mùng bốn bắt đầu đi làm và trở về cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên nếu mùng bốn nhằm vào ngày Chúa Nhật thì nhiều gia đình để ông bà ăn Tết với con cháu thêm một ngày nữa.
Bữa cúng tất cũng dọn năm mâm (hoặc ba mâm) như lễ rước, nghi thức tương tự, chỉ khác là có đốt giấy tiền vàng bạc, vải giấy đủ màu gọi là giấy đất để mong vong linh có tiền tiêu xài và vải vóc để may mặc ở cõi âm. Theo Việt Cúc trong bữa cúng tất tức lễ đưa ông bà: “Đến chiều mùng bốn, làm lễ tiễn, tức là kiếu ông bà. Người trong gia-đình, đều khăn áo chỉnh-tề, đứng trước giường thờ, đèn nhang nghi-ngút, người gia-trưởng phủ- phục khấn-vái, vi tiết xuân qua, lễ mãn, dâng lễ tiễn ông bà về nơi tiên cảnh. Rồi soạn thu hai gánh đồ vật đủ các thứ: bánh, dưa, trái cây và cầm hai cây gậy lau, người gia-trưởng xách đèn đi trước, con cháu theo sau.
Ra khỏi cửa một đỗi, để gánh xuống, con cháu lớn nhỏ đều chắp tay xá bốn phương, tỏ ý đưa ông bà về cõi hạt. Lễ xong, bỉ hai cây gậy lau, gánh, xách bánh trái trở về nhà”. 9
3. Dựng nêu:
- Nguyên ủy: có hai gốc tích về cây nêu, chúng tôi thu nhặt và
trình bày để quý độc giả tùy ý nhận xét:
Thuở xa xưa, ma quỷ lộng hành nhất là vào dịp Tết, muôn dân đồ thán nên kêu cứu ơn trên, đức Phật giáng thế trị tội. Ma quỷ van tha và xin chừa không quấy nhiễu đất Phật. Bọn chúng hỏi dấu hiệu của Phật để tránh xa, đức Phật phán nơi nào có phướn, có chuông, có khánh và có rắc vôi trắng là đất Phật. Từ đó, Tết đến các chùa trồng nêu trên treo phướn giấy, khánh sành và rắc vôi bột vẽ cung tên để đuổi tà ma. Dần dần dân chúng bắt chước thành tục trồng nêu và rắc vôi mỗi tư gia, mong muốn sự yên lành trong cửa nhà vào những ngày đầu năm.
Sự tích thứ hai kể rằng ngày xưa có cuộc tranh luận giữa một bà tiên với con yêu, sau cùng đôi bên so tài cao thấp bằng một cuộc chạy đua thật xa. Bà tiên khôn khéo cắm trước các cành tre đến mức thắng, rồi bà theo dấu cành tre mà chạy không lạc lối nên thắng cuộc; con yêu thua và tỏ vẻ sợ các cành tre. Noi theo sự tích nầy, trong dịp Tết Nguyên Đán, mỗi gia đình trồng một cây nêu ngoài sân, ý như nhắc yêu quái hãy tránh xa chỗ có tiên giáng trần.
b. Cách thể hiện: Miền Bắc dựng nêu sớm và ưa rắc vôi bột; trong khi dân miền Nam dựng nêu vào lúc sắp giao thừa và gồm có: một cây tre (hay trúc già) chừa ngọn, một lá bùa bát quái, ba lá trầu, ba miếng cau (tươi hay khô), không có phướn, không treo khánh và không rắc vôi quanh tư gia (ngoại trừ ở chùa mới có phướn, khánh và rắc vôi; hiện nay nhiều nhà có rắc vôi theo phép vệ sinh khử uế hơn là theo tục lệ). Ngoài ra trước 1945, ở miền Nam, trên cây nêu nhiều nhà có treo hình con cá chép bằng giấy theo gốc tích và ý nghĩa sau:
Theo huyền thoại, thuở xưa, vùng rừng núi tỉnh Tứ Xuyên bên Tầu có một cái đầm lớn. Hằng năm đến mùa nước lụt, cá chép tụ họp đông đủ để thi vượt Vũ Môn, có ba cấp. Con nào qua được đủ ba cấp sẽ biến thành rồng. Do đó cá chép được mọi người coi là vua của loài cá nước ngọt và tượng trưng cho tinh thần tranh đấu để cầu tiến; treo con cá chép vào nêu là để tán tụng tinh thần cao đẹp nhằm mục đích giáo dục.
4. Đón giao thừa: vào đêm trừ tịch tức đêm 30 (hay 29) tháng chạp.
Giao thừa là gì? “Giao lại cái cũ, đón tiếp cái mới; chỉ phút nửa đêm 30 Tết, năm cũ qua, năm mới tới”, 10 đó là định nghĩa của Đào Văn Tập. Còn Ban Văn Học Hội Khai Trí Tiến Đức cũng đã có định nghĩa tương tự trước Thanh Nghị: “Khoảng năm cũ và năm mới giáp nhau”. 11
Trừ tịch là gì?
Trừ tịch là “Tiết tối hôm 30 Tết, hết năm cũ sắp bắt đầu sang năm mới”. 12 Trong khi đó, Đào Văn Tập nói gọn trừ tịch là “Đêm cuối năm”. 13
Với các định nghĩa vừa điểm qua, chúng ta có thể hiểu giao thừa và trừ tịch là gì; bây giờ chúng ta quan sát dân miền Nam đón giao thừa như thế nào.
Trong đêm trừ tịch, trừ trẻ em lên ba lên năm, mọi người không muốn ngủ, không thể ngủ, để đón giao thừa. Thuở xưa, ông bà cha mẹ con cái tụ họp nhà trên ôn chuyện gia đình; rồi người lớn kể chuyện ăn Tết hay những tục lệ cũ cho con cháu nghe; không có chuyện hấp dẫn thì ráp sòng bạc nho nhỏ vui cười hỉ hả. Khoảng 1938-1955, nhiều nhà thức đón giao thừa với dàn hát máy cổ lổ (quây cần lên dây thiều bằng tay!), mê mẩn nghe cổ nhạc miền Nam với ban thầy Năm Tú, các cô Năm Phỉ, Bảy Nam, Năm Cần Thơ, các kép Ba Vân, Bảy Nhiêu giọng ngọt và mùi khó tả.
Dù kể chuyện, dù cờ bạc, nghe ca kịch, mọi người đều thấy con tim rộn rã khi sắp tới giao thừa. Rồi câu chuyện đang kể tạm ngưng, sòng bạc dẹp, máy hát tắt để mọi người chuẩn bị.
Giao thừa đến!
Đây là giây phút thiêng liêng của một năm. Theo sách vở để lại, bấy giờ dân Việt Nam làm lễ trừ tịch hay lễ đón giao thừa để tiễn ba vị thần Hành Khiến, Hành Binh, Phán Quan cũ để đón ba vị mới. Nhưng theo thói quen không ưa sách vở của dân miền Nam, đại đa số (trừ các cụ đồ, nhà trí thức), người ta chỉ biết dọn mâm ra sân cúng giao thừa để tiễn năm cũ đón mừng năm mới (mãi đến mùng ba mới làm lễ ra mắt ba vị thần vừa kể như chúng tôi đã trình bày ở đoạn trước nói về tục lệ “đối với các đấng thiêng liêng”).
Mâm cúng giao thừa gồm có: đèn nhang (ở miền quê cắm nhang không có lư hương thì lấy một khúc cây chuối non thay thế), bình bông nhỏ, dĩa trái cây (có thể thay thế bằng trái dừa tươi).
Trái với các lễ cúng khác, đặc biệt lễ đón giao thừa ở miền Nam hầu hết do người vợ của chủ gia phụ trách. Bởi vậy, hầu hết không khấn nguyện theo văn tự 14 mà chỉ biết cầu trời khấn Phật phò hộ gia đình sang năm mới làm ăn phát tài, quý quyến an hòa; rồi lại bốn lạy và xá bốn phương (mỗi phương ba xá).
Ngoài ra, khi cúng giao thừa, trong nhà cũng thắp nhang đèn, châm trà nước mới.
- Đốt pháo:
- Nguyên ủy: theo sách xưa, theo truyền khẩu, có một loài ma
núi gọi là Sơn Tiêu, hễ chúng đụng vào người nào thì người đó bị đau ốm đến chết, loài ma nầy có nhược điểm là sợ sấm sét nên trong ngày Tết dân chúng bày ra tục đốt pháo để xua đuổi tàma.
Nhưng đối với người Việt Nam nói chung, người miền Nam nói riêng, tục đốt pháo nhằm mang bao vui tươi tin tưởng tới con người trong dịp xuân sang.
Có bánh trái rượu thịt, liễn tranh mà thiếu pháo, dân miền Nam như trống vắng như nhớ nhung. Có thể coi pháo là tình nhân mỗi năm mới tái ngộ, cuộc gặp gỡ dây dưa khi xa xôi khi tình tứ lúc mặn nồng. Sân nhà đầy xác đỏ hồng được mọi người trầm trồ rằng “ăn Tết lớn”. Bởi vậy, dù giàu dù nghèo dù keo cú, đến Tết ai cũng mua pháo mặc dù biết rằng:
“Thừa tiền mua pháo đốt chơi
Pháo nổ lên trời, tiền vứt xuống ao”.
(Ca dao miền Bắc)
b. Thời gian: từ 23 tháng chạp trẻ em và thiếu niên bắt đầu khai ngòi pháo Tết, lâu lâu một tiếng như thúc dục như nhắc nhở năm hầu tàn và xuân sắp đến.
Đến chiều tối 30 (hay 29), khoảng 6-7 giờ, mọi bàn thờ đèn đuốc sáng choang, hương trầm nghi ngút, pháo thi nhau nổ từng tràng dòn dã.
Lạch tạch, lạch tạch, lạch tạch đùng, lạch tạch dùng . . ..
Sau đó, pháo lơi dần, lác đác tới giao thừa pháo nổ hơn bao giờ hết, mỗi nhà tối thiểu một phong; tiếng pháo đại xé màn đêm đánh thức vạn vật. Tâm can mọi người háo hức trước thềm năm mới.
Khoảng một giờ sau, pháo nổ thưa dần.
Từ đó suốt mấy ngày pháo vẫn nổ tùy nơi tùy dịp (con cháu chúc Tết ông bà cha mẹ, khách xông nhà, dân làng mừng Tết hương chức, cúng cơm ngày hai bữa, học trò mừng Tết thầy cô, cúng đầu năm . . . đều là những dịp người ta đốt pháo tùy thích) cho đến khi dứt lễ cúng tất (tức lễ đưa ông bà), tiếng pháo mới thực sự im hơi.
c. Các loại pháo: gồm có tiểu, đại, tre, thăng thiên, chuột, chà.
Pháo tiểu và pháo đại tương tự bây giờ, dân làng có thể tự làm nhưng hầu hết đều do người Tàu bán.
Pháo tre do dân làng làm, nổ to hơn pháo đại, khuôn khổ bất nhất tùy ý tùy thuốc nổ nhiều ít: loại nhỏ nhứt bằng ngón chân cái (vấn 4 lớp), loại to nhất bằng cùm chân dài độ 1dm đến 1dm 5 (vấn 8 hoặc 12 lớp); ngoài ra, nhà trưởng giả có khi vấn cây pháo tre bằng cái tối trẻ em, chưng đến cúng tất hay rằm tháng giêng mới đốt. Vật dụng làm pháo tre gồm có: diêm sanh làm thuốc nổ, vỏ hột quẹt (hoặc giấy thiếc, giấy kiếng) làm bao đựng thuốc nổ, dây lùn (hay vỏ tre trúc mỏng) phơi dột dột để vấn làm vỏ. Thêm nữa, từ đầu thế kỷ XX đến 1963, trẻ con trai tráng miền Nam có chơi loại pháo tre đốt bằng khí đá tương tự kiểu súng thần công, nổ nhỏ hơn pháo tre vấn chút ít nhưng đỡ tốn kém hơn vì cục khí đá được làm nổ nhiều lần và ống tre xài lâu mới tét.
Pháo thăng thiên ít phổ thông, do dân làng tự làm nhiều hơn mua; bề tròn của nó lớn hơn pháo tiểu chút ít, bề dài thì gấp đôi, có đuôi dài bằng cọng lá dừa để giữ lái cho pháo khi châm lỉa sẽ bắn vọt thẳng lên không trung.
Pháo chuột thời trước 1945 không phải là loại pháo bé tí trẻ con thích cầm tay đốt chơi như bây giờ mà được chế có hai ngòi và cột tuột song song với sợi dây đến tràng pháo (tiểu và đại); bắt đầu người đốt châm ngòi, viên pháo chuột xịt khói lửa chạy bắn tới làm tràng pháo bắt lửa nổ dòn, ngay sau đó ngòi ở đầu kia của pháo chuột lại bắt lửa xịt khói vọt trở ngược hướng cũ.
Pháo chà trước 1945 do người Tàu làm bán, hình thể như cục xôi nhỏ (to gấp rưởi hay gấp đôi viên đạn chai) vò méo; trẻ con thích mua rồi chà lên gạch đá nổ chẹt chẹt nghe vui tai.
Ngoài ra có pháo bông, nhưng dân làng không dùng trong dịp Tết, chỉ vào những ngày lễ của Pháp (như 14 Juillet, Noel, Tết Dương Lịch) thực dân hay các chủ quận, chức việc Việt Nam theo Tây mới đốt để liên hoan.
6. Xuất hành và xông đất: trước 1945, vấn đề xuất hành và xông đất được dân làng miền Nam lưu tâm chọn lựa cẩn thận vì họ tin tưởng nếu xuất hành đúng ngày giờ đúng phương hướng cũng như gặp người hạp tuổi xông đất nhà mình thì suốt năm mới gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt, sức khỏe dồi dào, còn chẳng may đi nhằm hướng hay ngày giờ xung khắc hoặc gặp người vía dữ hoặc độc ác hay khờ khạo đến đạp đất ắt hẳn trọn năm xúi quẩy thế nào cũng mang vạ lụy vào thân.
Nhiều người dở lịch Tàu (gọi là Hạ lịch) hay lịch quốc ngữ có ghi rõ ngày tháng giờ hung kiết hoặc nhờ thầy đồ thầy bói chỉ dẫn xuất hành. Chẳng hạn, ngày Tân Mùi khắc tuổi Ất và tuổi Đinh Sửu; giờ kiết Dần, Mẹo, Tị, Ngo ï và Thân; ngày Quí Dậu khắc tuổi Đinh, Tân Mẹo; giờ kiết là Dần, Thìn, Tỵ, Ngọ. Còn năm Nhâm Tý xuất hành hướng Đông và hướng Tây gặp nhiều quới nhơn giúp đỡ.
So với miền Bắc, dân Nam ít mời hẹn người mình thích đến xông đất lấy hên cũng như không tin rằng chủ ai hay người trong nhà có thể tự xông đất. Thường thường, khoảng 11-12 giờ mùng một trở lên người ta mới dám lựa nhà quen thân đến trước (để lỡ năm đó gia đình ấy có gặp xui xẻo thì họ cũng ít bị phiền trách hơn là xông đất chỗ sơ giao).
7. Đi đồ Tết, mừng tuổi và chúc Tết:
- Đi đồ Tết: Trong dịp xuân sang, đi đồ Tết (tức
biếu Tết của người Bắc) cũng là một mối lo, một bổn phận của mỗi cá nhân đối với những người có ân nghĩa với mình.
Không kể việc con cháu họ hàng đem lễ vật về nhà trưởng tộc hay nhà hương hỏa để cúng tổ tiên ông bà và con rể phải sêu Tết gia đình bên vợ, còn nhiều người phải được lo đi Tết. Nào học trò kỉnh Tết thầy cô, bệnh nhân đền ơn thầy pháp thầy thuốc, thiện nam tín nữ cúng dường Phật qua trung gian các bậc tu hành, cha mẹ có con ký bán các thầy bà cũng phải nhớ ơn trong dịp Tết, v.v..
Trong những năm trước 1945 không có lệ lối xóm biếu xén lẫn nhau và dân làng không phải mắc nạn đi đồ Tết cho hương chức quan viên (chỉ hương chức nhỏ mới lo kỉnh Tết chúc Tết quan lớn mà thôi!). Nhưng từ 1954 đến nay, ảnh hưởng của người Bắc, ở phố chợ có tục đi đồ Tết lẫn nhau và vấn đề đi đồ Tết trở thành một chuyện đáng lo ngại đối với những ai đang túng quẫn.
b. Mừng tuổi: Sáng mùng một, trẻ con giàu nghèo đều thay áo quần mới để “làm tuổi” hay “mần tuổi” (đọc trại từ mừng tuổi) ông bà và người lớn nghĩa là chúc “sống lâu trăm tuổi” hay “làm ăn phát tài”, v.v.. Rồi người lớn (ông, bà, cha, mẹ, chú, bác, cô, dì . . .) cũng chúc lại “học hành tấn tới (nếu có đi học!) “gặp nhiều may mắn (nếu không đi học hay bỏ học và làm lụng!) và “lì xì” bao giấy đỏ trong có xu hay tiền cắc (bây giờ là giấy bạc!). Hồi xưa chưa có bao lì xì in dán sẵn đem bán thì dân miền Nam mua giấy hồng đơn, cắt dán làm bao.
c. Chúc Tết: Thuở xưa, kể từ trưa mùng một Tết người lớn ăn mặc chỉnh tề đi từng nhà thân bằng quyến thuộc thăm viếng và chúc Tết gọi là “đi cung hỉ”.
Nếu chủ có nhà, người khách đầu tiên vô đất nhang lạy bàn thờ tổ tiên, rồi “cung hỉ” nghĩa là trao cho chủ gia một miếng giấy hồng đơn (kích thước 1dm x 1dm), một mặt ghi tên họ nghề nghiệp, mặt kia viết bốn chữ “Cung chúc tân xuân” bằng chữ Hán. Chủ gia rót rượu mời khách uống ly rượu “khai xuân” (thường chọn rượu ngọt hay nhẹ). Bánh mứt trà nước được dọn ra, nói cười vui vẻ. Độ năm mười phút sau, khách kiếu từ, chủ gia đưa ra ngõ và nội ngày đó thế nào chủ gia cũng sang nhà khách để “cung hỉ” trả lễ thì khách mới thỏa tình.
Nếu nhà đóng cửa kín mít hay chủ nhà đi vắng, khách gởi lại thiệp cung hỉ Tết ở kẹt cửa hay ở bàn trên rồi vội vàng đến nhà khác.
Từ 1954 trở lại đây, tục “đi cung hỉ” cũng còn nhưng không còn đưa thiệp cung hỉ (nếu có thì thiệp chúc Tết đã được gởi trước ngày mùng một Tết!) và miễn bớt phần lạy đốt nhang và lạy bàn thờ tổ tiên; chỉ trong vòng bà con máu huyết mới còn duy trì tục lạy bàn thờ trong lúc “đi cung hỉ” có lẽ “vì có bà con và người thân thiết đông-đảo, gia-chủ phải đi khắp xóm lạy cả trăm lạy trong ngày mồng một, đầu gối rã-rời, qua hai ngày sau không còn chân cẳng đi đâu nữa” 15
8. Giải trí: Ăn Tết đối với dân miền Nam (cũng
như đối với dân miền Bắc và Trung) ngoài chuyện cúng
kiến đó làm dịp ăn nhậu và giải trí nhiều ngày.
Giải trí có nhiều thứ mà chúng tôi sẽ trình bày kỹ ở chương II, trong đó cơ øbạc là trò tiêu khiển mà dân miền Nam mê nhứt.
Cờ bạc có đủ môn. Nào tứ sắc và xệp (phái yếu chuộng hơn cả), cu di, bài cào (trai tráng thích hơn), xì lác (hay già dách), bông vụ, hốt me, bầu cua cá cọp (con nít mê nhứt!), v.v..
Các sòng bạc tụ tập nhiều nhất ở nhà lồng chợ hay ở các ngã ba ngã tư trong làng ngoài phố. Già trẻ bé lớn đều mê man; thầy thợ cu li hương chức đều bình đẳng và không sợ ai cười chê khi đã ngồi sòng trong ba ngày Tết.
Ngoài cờ bạc, trong dịp Tết, ở miền Nam còn có một thú giải trí khác hẳn miền Bắc và Trung. Đó là múa lân.
Ai đã sống ở miền Nam, chắc chắn đã thấy múa lân trong dịp Tết hoặc trong các lễ lộc khác. Cách thức múa lân và hình dáng con lân chúng tôi xin miễn đề cập ở đây vì thiết tưởng ai cũng đã thấy biết; chúng tôi chỉ đưa ra nguyên ủy của múa lân ở miền Nam.
Múa lân do quan niệm (từ đời Khổng Tư)û lân là một loài nhân thú hiếm có, chỉ những lúc có bậc thánh nhơn xuất thế lân mới ra đời, nên trong dịp Tết là thời gian thiêng liêng trời Phật thần thánh tổ tiên từ thế giới khác về ngự trần gian, lân xuất hiện để báo hiệu để đón mừng.
Theo Vân Hạc, quan niệm trên có nguyên do như sau:
“Đời Xuân Thu, Thúc-Lương-Ngột nguyên làm quan Đại Phu lấy con gái họ Thi không con, vợ thiếp sinh con tên Mạnh Bì nhưng có tật ở chân. Ông cầu hôn họ Nhan lấy con gái út là Trưng-Tại. Vợ chồng cầu tự ở núi Ni-Sơn rồi có thai. Khi, sắp lâm-sản, Trưng-Tại mơ thấy con kỳ-lân nhả ngọc ở cổng làng thành câu: “Thủy-tinh chi-tử, kế suy chu vi Tố-vương” (con nhà Thủy-tinh nối nhà Chu suy, làm vua không có ngôi). Nhan thị lấy giải lụa buộc vào sừng nó giắt đi. Khi sinh có năm ông lão đứng ngoài sân xưng là năm vì sao rồi biến mất, có hai rồng xanh vây quanh nhà, trên trời có tiếng âm-nhạc và có tiếng nói rằng: “Trời cảm sinh Thánh-tử nên giáng tiếng hòa vui xuống trần”. Nhan thị sinh trai diện mạo phương-phi đặt tên là Khâu tự là Trọng Ni (kỷ niệm tên núi) sau thành Đức Khổng-Tử” 16
Vậy “múa lân chẳng phải là một trò vui thường mà hàm một ý nghĩa cao-thượng, một hy-vọng tốt đẹp, cầu chúc đời thái-bình thịnh-trị”. 17
9. Tết nhà Tết cửa, Tết trâu: Trong dịp xuân sang, tại miền Nam không phải chỉ riêng con người ăn Tết mà còn phải cho nhà cửa và trâu ăn Tết nữa.
a. Tết nhà Tết cửa: Thuở xưa, khuya mùng ba rạng mùng bốn làm lễ Tết nhà Tết cửa; từ 1945 đến 1963 một số dân quê miền Nam vẫn còn giữ tục nầy vào sáng mùng ba hay mùng bốn tùy nơi tùy gia đình. Kể từ 1975 tục nầy dần dần mai một.
Theo đó, thuở xưa, sau khi làm lễ tạ thần bản gia và thổ địa (bằng mâm bánh trái và trà rượu), chủ gia cắt giấy vàng bạc hình thoi hay vuông nho nhỏ đem dán cửa, tủ, bàn ghế, ván, giường, khung bếp, cột, kèo, rương, trấp, cối, chày, lu, hủ, v.v., trong nhà; rồi ra sân vườn dán cột bàn thiên, dán luôn thân cây dừa, bưởi, mận, ổi, cam, quít, v.v., quanh nhà, gọi là “cho nhà cửa ăn Tết”.
b. Tết trâu: Ngày xưa, đối với dân làng miền Nam, con trâu rất quan trọng, nghèo giàu cũng nhờ nó, nên gia đình ăn Tết, người ta không quên tục Tết trâu.
Tết trâu bắt đầu từ sáng mùng bốn bằng nhang đèn và mâm trái cây, thúng gạo, giấy tiền vàng bạc rượu trà (có chỗ cúng bằng bánh tét với đường như ở Cà Mau) để cúng ông Chuồng bà Chuồng. Sau đó, chủ nhà lại chuồng trâu đổ rượu vào miệng mũi trâu đực và dán hai sừng và đổ nước trà vào miệng mũi trâu cái; rồi lấy hai lá vàng bạc giấy dán hai sừng và thả chúng đi ăn tự do. Đoạn chủ gia thưởng trẻ chăn trâu gạo bánh và lì xì; rồi cho nghỉ về thăm gia đình dăm ba hôm.
Trong khoảng 1945 đến 1975, tục nầy ít được áp dụng, một phần vì chiến tranh khiến nghề trồng lúa kém đi, cũng như dân chúng làm nghề thương mãi, tiểu công nghệ khá đông, máy cày bắt đầu dành chỗ con trâu chậm chạp. Từ sau 1975 tục nầy gần như mai một.
10. Khai hạ: còn gọi là khai sơn.
a. Nguyên ủy: Theo Toan Ánh, nguồn gốc lễ khai hạ như sau: “Lễ khai-hạ, người Trung-Hoa gọi là lễ Nhân-nhật, nghĩa là ngày của người.
Theo sách Phương sóc chiêm thú thì tám ngày đầu năm mỗi ngày thuộc riêng về một giống:
Mồng 1 thuộc giống Gà
– 2 – – Chó
- 3 – – Lợn
- 4 – – Dê
- 5 – – Trâu
- 6 – – Ngựa
- 7 – – Người nên được gọi là Nhân-nhật.
Nhân ngày Nhân-nhật là ngày của giống Người nên người ta làm lễ cúng Trời, Đất để đánh dấu ngày đó.
Người Việt-Nam nhân dịp này, ngoài lễ giữa trời cúng Trời, Đất, còn sửa lễ cúng Gia-tiên, cúng Thổ-công và cúng thần Tài. Thường sau lễ này, những người buôn bán mới bắt đầu đi chợ, mở cửa hàng”. 18
- Sự thể hiện: Thuở xưa, miền Nam ăn Tết tới mùng bảy, trăm
việc tạm đình chỉ (cữ đào đất, chặt cây, đốn củi, v.v.), mọi người chờ làm lễ khai hạ mới trở lại công việc làm ăn hằng ngày. Lễ khai hạ còn gọi là lễ hạ vì trong lễ nầy có tục hạ nêu đã trồng từ hôm 30 (hay 29) Tết.
Trước 1945, sáng mùng bảy, hương chức tụ tập ở đình sau khi cúng Trời Phật mâm trái cây bánh mứt nhang đèn, ông chánh bái (hay bồi bái) đánh ba hồi mõ (gọi là “khai mõ”) và ba hồi trống (gọi là “khai trống”) để báo hiệu dân làng biết đình làm lễ khai hạ rồi hạ nêu xuống. Đoạn ông chánh bái ra sân đào một cục đất và chặt một nhánh cây tượng trưng. Từ giờ phút ấy dân làng mới được phép móc đất bẻ cây làm lụng đồng áng rẫy vườn, ai bất tuân lỡ cuốc đất chặt cành trước khi ông chánh bái làm lễ khai hạ sẽ bị làng phạt vạ, đóng trăng. Gặp những năm, công việc ruộng rẫy quá thúc bách không thể chờ đến mùng bảy thì mùng ba theo lời yêu cầu của dân làng, ban Hội tề nhóm tại đình làng ký tên thỏa thuận cho ông chánh bái làm lễ khai hạ sớm hơn thường lệ, bấy giờ dân làng mới dám làm lụng.
Còn tại tư gia, chủ nhà làm gà vịt cơm canh cúng các bàn thờ rồi cũng hạ nêu.
Ở thôn quê miền Nam, trong khoảng 1945-1963, tục trồng nêu có nhà giữ nhà không nên lễ khai hạ bị lãng quên dần; trong khoảng 1963-1975, rất hiếm nhà còn giữ; kể từ sau 1975, cây nêu chỉ còn có ở chùa đình mà thôi. Trong khi đó, ở phố chợ thị thành kể từ 1945 về sau dân chúng bỏ hẳn cây nêu và lễ khai hạ ngoại trừ chùa đình.
CHÚ THÍCH
- Thái Văn Kiễm, Đất Việt Trời Nam, Nguồn Sống, Saigon, 1960, tt 211-212.
- Ngọc Tâm, Âm-Lịch Và Dương-Lịch Lịch Tàu Lịch Ta, Văn Hóa nguyệt san, số 2, tháng 11 năm 1968, Saigon, tr 84 có viết: “Nước Tàu đã bỏ Tết âm lịch một cách chánh thức (chứ không phải trong thực tế) thành ra Tết Nguyên-Đán là Tết đặc biệt của dân tộc Việt-Nam”.
- Xin đọc thêm “Người dân quê miền Nam và Tục lệ ngàyTết” của Lương Thư Trung, Giai Phẩm Xuân Canh Thìn 2000 của Nhật báo Viễn Đông, Midway City, California, USA, tt 136-142.
- Có người viết câu sau là:
“Xuân mãn càn khôn, phước mãn đường”.
- Nghê Văn Lương, Cà-Mau Xưa An-Xuyên Nay, Trung Tâm Học Liệu, Saigon, 1972, tr 205.
- Theo đúng sách vở thì đêm giao thừa phải cúng vái ba vị Hành Khiến, Hành Binh, Phán Quan, nhưng đại đa số dân chúng miền Nam trong thế kỷ XX đã có thói quen dời qua mùng ba, cho nên đêm giao thừa có cúng nhưng cúng mừng năm mới, cầu Trời khẩn Phật phù hộ gia đình bình an, ngoại trừ dân miệt Cà Mau, Bạc Liêu cúng theo đúng sách vở.
- Mỗi năm cúng ba vị danh tánh khác nhau, vì 12 năm nên gọi là Thập Nhi Hành Khiến. Sau đây là danh tánh 36 vị mà chúng tôi sưu tầm được và xin ghi ra đây để quý độc giả biết cũng như quý bà con nào còn tin tưởng cúng đầu biết mà khấn vái:
- Năm Tý: Châu Vương Hành Khiến, Thiên Ôn Hành Binh, Lý Tào Phán Quan
- Năm Sửu: Triệu Vương Hành Khiến, Tam Thập Lục Phương Hành Binh, Khúc Tào Phán Quan
- Năm Dần: Ngụy Vương Hành Khiến, Mộc Tinh Hành Binh, Cổ Tào Phán Quan
- Năm Mẹo: Tôn Vương Hành Khiến, Thạch Tinh Hành Binh, Liễu Tào Phán Quan
- Năm Thìn: Sở Vương Hành Khiến, Hỏa Tinh Hành Binh, Biểu Tào Phán Quan
- Năm Tỵ: Ngô Vương Hành Khiến, Thiên Hao Hành Binh, Hứa Tào Phán Quan
- Năm Ngọ: Tần Vương Hành Khiến, Thiên Hao Hành Binh, Vương Tào Phán Quan
- Năm Mùi: Tống Vương Hành Khiến, Ngũ Đạo Hành Binh, Thung Tào Phán Quan
- Năm Thân: Tề Vương Hành Khiến, Ngũ
Triều Hành Binh, Tông Tào Phán Quan
- Năm Dậu: Lỗ Vương Hành Khiến, Ngũ Nhạc Hành Binh, Cự Tào Phán Quan
- Năm Tuất: Việt Vương Hành Khiến, Thiên Bá Hành Binh, Thành Tào Phán Quan
- Năm Hợi: Kiếm Vương Hành Khiến Ngũ Ôn Hành Binh, Nguyễn Tào Phán Quan
- Việt Cúc, Gò-Công Cảnh-Cũ Người-Xưa, tác giả xb, Saigon, 1969, tt 92-93.
- _______, sđd, tr 93
- Đào Văn Tập, sđd, tr 240.
- Việt-Nam Tự-Điển, Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội, 1931, tr 216.
- ________________, sđd, tr 612.
- Đào Văn Tập, sđd, tr 654.
- Trong Tín-ngưỡng Việt-Nam, sđd, quyển Hạ, tr 288, Toan Ánh có sưu tầm mẫu văn khấn giao thừa, chúng tôi xin phép sao y ra đây để giới thiệu với đồng bào miền Nam:
“Duy Việt-Nam Đinh Mùi niên, Cộng-Hòa đệ thập nhi, xuân thiên chính nguyệt, sơ nhất nhật, kim thân đệ tử Nguyễn Đức Cầu quán tại Cổ Mễ xã, Võ-Giàng huyện, Bắc-Ninh tỉnh, cư-trú tại Phú-Nhuận xã, Tân Bình quận, Gia-Định tỉnh, đồng gia quyến đẳng, khế thủ, đốn thủ bách bái.
Cẩn dĩ hương đăng, kim ngân hoa quả, phù lưu thanh chước, thứ phẩm chi nghi, cảm kiền cáo vu.
Vọng bái:
Đương niên đương cảnh Tống-vương hành khiến, ngũ đạo chí đức tôn thần ngọc bệ hạ:
Lâm tào Phán quan vị tiền
Bản địa Thổ-địa thần kỳ vị tiền
Bản cảnh Thành-hoàng vị tiền
Ngưỡng vọng chứng-giám;
Cúc cung cầu-khẩn:
Toàn gia đồng niên tự lão chí ấu, tăng phúc tăng thọ, nhân khang vật thịnh, vạn sự hanh-thông.
Cẩn cáo”
15. Nghê Văn Lương, sđd, tr 207.
16. Vân Hạc, “Múa Lân Một Cuộc Vui Rất Nhiều Ý
NghĩaTrong Ngày Tết Nguyên Đán Ở Nam-Kỳ”ø,
Trung Bắc Chủ Nhật, số 143, năm thứ tư, Hà Nội,
1943, tr 30.
17. _______, tlđd, tr 30.
18. Toan Ánh, Tín-ngưỡng Việt-Nam, sđd, quyển Hạ, tt
336-337.
Vương Đằng
Cảm ơn người Bạn trẻ Tôn Phi đã bbc cho tôi.
Tôi thật tình không hiểu làm thế nào Bạn có được địa chỉ email này của tôi!
Mến gửi đến Bạn và cháu lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Quý mến,
ĐML
ThíchThích