.

Victor Hugo (1802-1885) sinh ngày 26-02-1802 Besancon (Pháp). Ông là một trogn những nhà văn nước ngoài được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam. Những cuốn tiểu thuyết chính của Hugo như: “Những người khốn khổ” (Les Misérables, 1862), “Nhà thờ Đức Bà” ( Notre-Dame de Paris, 1831), “Những người lao động trên biển cả” (Les Travailleurs de la mer, 1866)…đều được dịch ra tiếng Việt và tái bản nhiều lần. Có lẽ cũng vì thế mà độc giả Việt Nam “ấn tượng” Hugo là một nhà tiểu thuyết lớn. Không những ở Pháp mà ngay ở Việt Nam, nhiều nhân vật như Jen-Val Jean, Gavroche, Fantine, Cossette, Javert…của Hugo đã trở thành những danh từ chung quen thuộc… Song, ông còn là nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà lý luận văn học, người viết tuyên ngôn chính trị…lớn của văn học Pháp thế kỷ 19. Các thi phẩm bất hủ “Những bài thơ phương Đông” (Les Orientales), “Năm khủng khiếp” (L’Année terrible), “Trừng phạt” (Les Châtiments), “Khúc ca hoàng hôn”, “Tia sáng và bóng tối”, v.v…hợp thành với kịch, tiểu thuyết, chính luận…của ông đã để lại những kiệt tác sừng sững như trái núi in bóng trên nền trời văn học, thách thức của không gian và thời gian.
Đại cách mạng Pháp năm 1789 là cuộc cách mạng tư sản điển hình nhất đã diễn ra với bao cuồng phong bão tố. Cách mạng và phản cách mạng đã liên tiếp xảy ra hàng trăm năm sau khi lá cờ Tự do-Bình đẳng-Bác ái đã được giương lên năm 1789. Hugo đã sống gần trọn thế kỷ 19. Và chỉ trong trọn vẹn cuộc đời của Hugo, hai cuộc cách mạng, hai nền đế chế, hai lần vương quyền lại nổi lên tước đoạt tự do bình đẳng của nhân dân. Những tác phẩm như “Những người khốn khổ” được mọi thời đại yêu thích đều được viết trong thời kỳ này. Tập thơ “Trừng phạt” (1853) được ông viết ngay sau cuộc đảo chính của Napoléon III là tiếng thét phẫn nộ của nhân dân trước hành vi lừa đảo và tội ác của dòng họ Napoléon (Le Petit Napoléon) bí mật gửi về nước…
Người ta suy tôn Hugo là nhà văn lớn nhất của chủ nghĩa lãng mạn Pháp vì, những nhân vật của ông như: Jean-Valjean (Những người khốn khổ) là không có thật. Nhưng những tấm lòng dũng cảm và cao thượng như Jean-Valjean là hiện tahan của ý chí nhân dân, là chủ nghĩa lãng mạn Hugo. Khát vọng về cái thiện sẽ thắng cái ác là hiện thực thứ hai, hiện thực tâm hồn, hiện-thực-muốn-có trong sâu thẳm tâm hồn của nhân dân qua bao thời đại là có thực. Cùng một lúc với máu và nước mắt ở “Năm khủng khiếp” (L’Année terrible-1872) của những người con trung thành với nước Pháp, Hugo cũng vẽ lên tương lai tươi đẹp của loài người. Những cách miêu tả đầy tưởng tượng, phi hiện thực, những tình huống phi thường, cách hành văn khoa trương với những kết cấu bất ngờ, huyễn tưởng,…trong tiểu thuyết của Hugo đã bất chấp không gian hàng nửa vòng trái đất, bất chấp thời gian cả thế kỷ vẫn say mê bao thế hệ bạn đọc Việt Nam. Nước Pháp xa xôi bỗng gần gũi,…Hugo lãng mạn ở chỗ đó. Đó là Hugo. Vì, chừng nào còn cái ác, còn những người lao động lương thiện, những người nghèo khổ bị đọa đày, còn những tâm hồn cao thượng,…thì nhân loại còn đọc Hugo.

Có một điều đáng nói là, trong suốt một thời gian dài, qua nhiều biến cố của đời sống chính trị và xã hội ở nước ta, dù có thay đổi trong kết cấu và liều lượng,…,các chương trình giảng dạy về văn học nước ngoài ở bậc phổ thông và đại học nước ta,…, thì Victor Hugo luôn chiếm một vị trí quan trọng.
Thế hệ chúng tôi, những sinh viên văn khoa của những năm 60 thế kỷ 20 đã từng học Hugo trong những nếp nhà tranh giữa rừng sơ tán Việt Bắc, dưới tầm phóng rốc-két của phản lực Mỹ. Nhà văn Nguyễn Khải kể lại rằng, khi còn trẻ ông lưu lạc kiếm sống ở Sài Gòn, có lần ông mua được cuốn tiểu thuyết “Les Misérable” cũ với giá rẻ. Ông đã đọc cuốn tiểu thuyết này một cách say sưa, hào hứng. Và nhờ đọc “Les Misérable” mà sau này: “…khi vào bộ đội ngồi nói chuyện với các cán bộ có học vấn cao, là trí thức, viên chức thời Pháp tôi không hề bị lúng túng”. (“Sống ở đời”, Nhà xuất bản Trẻ, 1-2002). Chính Hugo chứ không phải ai khác, đã song hành với nhân loại như thế ở những vùng đất xa xôi cách quê hương ông hàng vạn dặm.
Hugo mất ngày 22-5-1885 tại Paris, hưởng thọ 83 tuổi. Thi hài của ông an táng tại điện Panthéon-nơi an nghỉ của các danh nhân nước Pháp. Nhiều người cầm bút ở nước ta có dịp thăm Paris đã đến viếng ông, trong đó có người viết bài này.
Lê Phú Khải.
Chủ nhật 24 tháng 02 năm 2022.
Liên lạc tác giả: 039 7516430
Trợ lý: Tôn Phi: 0344331741
Email: tonphi2021@gmail.com
Bài viết đã được đưa vào sách Giáo trình văn học Tây Âu II của nhà văn Tôn Phi. Xem sách trên Amazon. Liên lạc với tác giả nếu bạn đang ở Việt Nam.
Dạ, rất cám ơn anh.
Rất quý.
Thân kính .
ThíchThích