
Figure 1. Nhạc sỹ Mozart.
Ngày 27-1-2006 tới, tại 80 thành phố châu Âu, 24.000 nhạc công sẽ trình diễn các nhạc phẩm trong đó có ca kịch của Mozart để kỷ niệm lần thứ 250 ngày sinh của ông. Thực ra thì cả thế giới, đặc biệt là châu Âu đã chuẩn bị từ nhiều tháng qua cho ngày 27-1-2006 trọng đại với đời sống âm nhạc của toàn thế giới. Ở Salzbourg, thành phố quê hương ông thì khỏi nói, tất cả mọi thứ hầu như đều mang “hình tượng” Mozart để đón khách du lịch bốn phương đang đổ về đây chào đón ngày 27-1-2006.
Tại Đức người ta đã cho ra đời cuốn Từ điển Mozart 1.100 trang về cuộc đời ngắn ngủi (35 năm) nhưng đầy kịch tính và sự nghiệp âm nhạc đồ sộ có một không hai của nhà soạn nhạc thiên tài người Áo này. Tại Anh, một cuộc thăm dò bình chọn 103.000 thính giả FM nghe nhạc cổ điển, đã cho kết quả bản concerto “A Major” là tuyệt vời nhất! Tại Pháp, tờ Express số ra ngày 22-12-2005 đã cho đăng tải bài phỏng vấn Mozart của tác giả Raurence Liban ngày 29-4-1786 tại nhà hát Burgtheater trước cuộc tổng duyệt vở ca kịch Đám cưới Figaro…đã gây sửng sốt cho cả thế giới yêu âm nhạc về những gì người ta đã “nhận định” về Mozart trước đây (!) 225 đĩa CD nhạc phẩm của Mozart đã được châu Âu xuất bản, mỗi đĩa 70 phút…Nếu nghe hết 225 đĩa CD này sẽ mất…10 ngày đêm!
Mozart sinh ngày 27-1-1756 trong một gia đình nhạc sĩ có tiếng tăm thời đó ở nước Áo. Lên 4 tuổi, cậu bé Mozart đã sáng tác nhạc, lên 5 đã biểu diễn trước công chúng, lên 6 đã được xuất bản nhạc phẩm đầu tiên và biểu diễn thành thạo các nhạc phẩm viết cho đàn clavơxin (tiền thân của đàn piano), đàn violon và organ…Trong nhiều năm sau đó, ông theo bố đi biểu diễn khắp châu Âu từ Hà Lan, Thụy Sĩ đến Pháp, Anh…Ở đâu ông cũng làm người ta kinh ngạc. Người ta gọi ông là “thần đồng”, là “thầy phù thủy nhỏ bé”, “là “điều kỳ lạ của thế kỷ”. Năm 14 tuổi Mozart chu du khắp nước Ý, đất nước có nền âm nhạc phát triển nhất châu Âu thời bấy giờ…Tại đây, ông đã biểu diễn các loại đàn, hát ứng tác và chỉ nghe một lần đã ghi lại được những nhạc phẩm dài, phức tạp, viết cho nhiều giọng hát và dàn hợp xướng…Khâm phục trước tài năng của Mozart, người ta đã phong cho ông làm Viện sĩ Viện Hàn lâm nghệ thuật Bôlônhơ. Đó là điều chưa từng có với một người nhỏ tuổi như Mozart.
Tài năng âm nhạc của Mozart ngày càng nở rộ, phát triển. Các nhạc phẩm của ông liên tiếp được xuất bản, từ giao hưởng (symphonies) đến các hình thức sonart, concerto, opéra (nhạc kịch)…Từ giã cuộc đời ở tuổi 35 nhưng Mozart đã để lại cho nhân loại một gia tài âm nhạc đồ sộ chưa từng có trong lịch sử âm nhạc thế giới: 626 tác phẩm. Trong đó, riêng giao hưởng đã có 41 bản ( Beethoven lừng lẫy chỉ có 9 bản), 13 nhạc kịch. Người ta ước tính, nếu một nhạc sĩ thời nay sáng tác được một khối lượng như thế, chưa nói đến hay dở, phải mất…300 năm!
Trong gia tài đồ sộ của Mozart, những tác phẩm hay nhất của ông (được dàn dựng qua nhiều năm tháng, tại nhiều quốc gia) được nhắc tới nhiều nhất là hai vở nhạc kịch Đám cưới Figaro (1786) và Don Giovanni (1787). Hai tác phẩm: Cây sáo thần ( La Flûte enchantée) và Khúc tưởng niệm (Requien) là những kiệt tác vô song…
Ban đầu, người ta xếp Mozart vào loại nhạc trong sáng, giản dị, dễ hiểu…Nhưng cùng với thử thách khắc nghiệt của thời gian, càng ngày người ta càng thấy Mozart là bậc thầy của âm nhạc trữ tình, bậc thầy của giai điệu. Ông đã tìm kiếm sự trong sáng, sang trọng và âm nhạc của ông đã vươn tới sự vĩ đại qua cái giản dị nhất! Nếu các bậc thượng lưu trí thức xưa nay phải “vỡ đầu” mới hiểu được Beethoven thì âm nhạc bác học của Mozart đến với quần chúng đông đảo một cách tự nhiên, dễ dàng như cánh chim đến với bầu trời, dòng sông đi ra bể cả…Đó là điều bất hủ ở Mozart. Về thân thế, cũng vì thành công quá sớm ở tuổi còn “trẻ con”, vì thế, xưa nay người ta xem Mozart như một thần đồng, một đứa trẻ luôn “khiêm tốn”, được các “vua chúa châu Âu chiều chuộng”! Chính Hoàng Đế Đức Francis Đệ Nhất khi ngồi cạnh Mozart lúc ông biểu diễn, đã kêu ông là “Thầy phù thủy bé nhỏ”! Các vua chúa châu Âu vẫn xem Mozart là bé nhỏ. Chính bá tước vùng Salzbourg đã đưa Mozart vào cung đình để biểu diễn, còn cha ông thì luôn nghĩ cách đưa con mình lên hàng ghế quý tộc (điều này cũng dễ hiểu).
Nhưng là một nghệ sỹ đích thực, Mozart luôn khao khát tự do. Ông đã cương quyết ra khỏi cung đình, bỏ hết mọi thứ đằng sau đó! Những thư từ trao đổi của Mozart với bạn bè, đồng sự, những trả lời phỏng vấn của ông với người đương thời…được các nhà nghiên cứu tìm kiếm, phát hiện gần đây, đã làm đảo lộn, đã đánh đổ những quan niệm cũ về Mozart. Mozart chán ghét chốn cung đình đến mức ông may áo có 2 túi, mỗi túi đeo 1 đồng hồ (đồng hồ thời đó bỏ túi) để khỏi phải nhận đồng hồ và túi đựng thuốc lá nhà vua tặng mỗi lần biểu diễn xong (!). Ông tuyên bố: “Tôi không muốn phục vụ bất cứ một vị hoàng đế nào!” Mozart đã sống những ngày cuối đời trong sự nghèo túng. Cái chết của ông ở tuổi 35 được người ta thêu dệt thành nhiều câu chuyện ly kỳ…đến nay vẫn là 1 câu nghi vấn để được các nhà khoa học ra sức tìm hiểu; ông có phải bị đầu độc không?
Với Việt Nam, một đất nước xa xôi với Mozart, nhưng nhạc của Mozart luôn được giảng trên các giảng đường âm nhạc Việt Nam. Kể cả trong bom đạn chiến tranh, tác phẩm của Mozart luôn được sinh viên nhạc viện luyện tập trong nhà trường, biểu diễn mỗi khi có dịp…Nhạc sỹ Tô Hải (giải thưởng nhà nước) cho rằng: Giới âm nhạc Việt Nam đến với nhạc cổ điển đều tất cả bắt đầu từ đến với Mozart. Vẫn theo nhạc sỹ Tô Hải thì Mozart là một con người suốt đời đau khổ và đã cống hiến cho nahan loại niềm vui bất tận.
Đem nghệ thuật đích thực đến với quảng đại quần chúng nhân dân là thông điệp lớn nhất mà Mozart đem đến cho thời đại chúng ta.
Các nhạc sỹ Việt Nam có dịp đến châu Âu không quên đến thăm nhà lưu niệm Mozart tại Áo.
Ngày 16 tháng Một năm 2006.
Lê Phú Khải.
Mozart và sự cống hiến vĩ đại.
Bài viết đã được đưa vào sách: Biên khảo về Mozart.
Viết bởi nhà báo Lê Phú Khải. Hiệu đính bởi Tôn Phi.
Liên lạc tác giả: tonphi2021@gmail.com
Phone, Whatsapp, Signal: +84344331741
Copyrights @ Nhà xuất bản Sống Mới 2022
———-
Chân thành cảm ơn Anh Ton Phi
ĐÃ QUAN TÂM ĐẾN TÔI .
Nhưng thú thật tôi đang sống ở hải ngoại.
Còn Anh thì LÀM LỚN TRONG VN.
Vì vậy tôi sợ sự liên hệ của chúng ta không có lợi cho Anh.
Mong Anh thông cảm cho, và chúng ta cứ giao lưu chung với mọi người trên diễn đàn. Có lẽ một ngày nào đó mình lại gặp nhau trên quê hương yêu dấu của chúng ta .
Mến chào Anh cà chúc nhiều sức khỏe.
Trọng Dân
ThíchThích