
(Viết bởi Tôn Phi, Sài Gòn ngày 24/05/2022. Contact: tonphi2021@hotmail.com)
Trong vũ trụ, có những hạt đi đôi với nhau, như hạt âm và hạt dương trong một hạt nhân nguyên tử. Mô phỏng trong tự nhiên cho thấy biểu tượng về quan hệ vợ chồng. Bài này làm việc có phương pháp khoa học trên những cặp đôi li ti trong vũ trụ để tìm ra đáp số đúng cho vấn đề hôn nhân, tình yêu.
Nhà thơ Bùi Giáng, nổi tiếng khắp nước Việt Nam, có đoạn thơ như sau:
Cây lá bốn bên song song từng lứa
Sánh đôi nhau như ứa lệ ngàn ngàn
Hạnh phúc trời với đất mang mang
Với bò giữa rừng hoang đương gặm cỏ
Với người ngó ngất ngây đương nằm đó
Không biết trời đất có ngó mình không? (1)
Vạn vật sinh ra có cặp có đôi, có âm có dương; có hạnh phúc và có khổ đau. Tình vợ chồng, một thứ mà hầu hết ai cũng sẽ phải trải qua, kinh nghiệm và kiến thức.
Khoái lạc thể lý
Quan hệ tình dục nam nữ là một sự mầu nhiệm của đất trời. Hấp lực gắn bó vợ chồng, một phần nằm ở khoái lạc thể lý. Hầu hết mọi trường hợp, lúc trẻ động lực hòa nhập thân xác với người khác giới lớn hơn mạnh hơn lúc về già. Cùng với khao khát sống chung, khoái lạc thể lý tạo nên hấp lực tình yêu.
Không nên xem thường khoái lạc thân xác. Nó không thể quên vì nó không thuộc vào trí nhớ, mà thuộc bản thể sinh tồn và truyền dòng giống.
Khao khát sống chung
Khởi đầu của tình vợ chồng là đám cưới bước vào tình vợ chồng. Khao khát sống bên nhau sẽ thể hiện trong đời sống hàng ngày: quan tâm đến vui buồn sướng khổ của người yêu; suy nghĩ tìm giải đáp những khó khăn của nhau, chung sức phá vỡ những trở ngại cho dù khác ý tranh cãi giận hờn. Chăm sóc sức khỏe, bệnh tật và nhất là: phải chăm sóc lòng yêu thương của nhau. Tình vợ chồng thì khác: 20 năm, 50 năm. 20 năm, 50 năm ăn ở với nhau cho vui lòng, thì thời gian này thật là dài.
Vợ chồng người Việt, nhất là trong những thế hệ lớn thường may rủi ăn thua. Sau khi ăn ở với nhau, chuyện sinh lý có hài lòng hay không thì không nói, sợ bị quê, mặc cảm hoặc trời đất cấm. Không nói mà vẫn ăn ở với nhau tức là chấp nhận. Chấp nhận là trung sách, bỏ chạy là hạ sách, cao sách là bàn thảo để thỏa thuận.
Bàn thảo có nhiều đường lối. Vợ chồng lâu dài, phải học hỏi và khám phá phương pháp thông tin cho nhau một cách hữu hiệu. Thỏa thuận thay vì chấp nhận. Mọi cặp vợ chồng đều có những thứ quá đẹp lúc yêu nhau, lúc mới lấy nhau.
Trong khi hấp lực khao khát được sống chung với người mình yêu tuy vô hình nhưng mạnh mẽ, đối với đa số phụ nữ, nó trở thành quyết liệt. Truyền thuyết Việt Nam có câu chuyện hòn vọng phu là phụ nữ chờ chồng hóa đá.
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? (2)
Những ai hết lòng yêu con cháu và yêu quí cảm xúc với quá khứ của hai người, sẽ có nhiều khả năng muốn chung sống với nhau. Về già, động lực tinh thần lấn lướt động lực thể lý. Nỗ lực của vợ chồng là kề hai cái đầu sát dính vào nhau như một, để hai khối không gian-thời gian nối lại với nhau. Việc kề hai đầu thành một quan trọng cũng như kề hai thân.
Các trường hợp ly thân.
Rồi cặp vợ chồng cũng cảm thấy nhạt nhòa, chai quen khi kề cận bên nhau khá lâu. Khi thể lý đã suy tàn thì rất dễ chia tay. Ly thân có thể xảy ra trong các trường hợp ngoại tình, cô điếm và gái gọi. Trường hợp này thường xảy ra sau khi những vợ chồng lấy nhau về thì yêu nhau lai rai, cãi vả, hục hặc, nhưng vẫn ở bên nhau (hấp lực dai dẳng nhưng yếu.). Vợ chồng ly dị, ly thân, hoặc âm thầm chịu đựng như tù khổ sai.
Trong tác động, một cặp hạt, do nhiều tai nạn, đã thiếu mất đi hạt âm hoặc hạt dương trở thành hạt thiếu, thế là một cách tự nhiên, hạt này sẽ đi tìm hạt khác thế vào để trở thành hạt đôi mới. Vợ chồng may mắn sống với nhau cho đến cuối đời, không kể sứt mẻ, hàn gắn, cảm ơn Tạo Hóa.
Các ông chồng hay nói: “Hồi mới lấy nhau vợ tôi hiền như mèo con, sao bây giờ dữ như hà bá?” Có một loại lực (chúng tôi chưa nghiên cứu rõ) đã xô đẩy cặp vợ chồng ra xa nhau. Mỗi khối không gian-thời gian của mỗi người liên hệ với những khối khác hoặc những sự việc quyến rũ khác: tiền tài danh vọng, ái tình lẻ. Các hạt trong cơ học lượng tử dường như cũng liên tục tìm đến nhau, dính vào nhau, bị đẩy ra, lẻ loi, biến mất với một tốc độ chóng mặt.
Có những cặp vợ chồng yêu nhau kịch liệt rồi bỗng nhiên chia tay. Hấp lực bùng nổ nhưng không lâu dài. Trường hợp bạo lực gia đình có thể lý giải như sau: Trong quá trình tìm kiếm này, có khi một hạt trở thành phản hạt của hạt kia hoặc hủy diệt lẫn nhau. Trong thế giới người, cách y chang như vậy, người chồng bạo lực lên thân xác của người vợ, hoặc vợ chặt đầu chồng như vụ án ở Bình Dương năm 2017.
Lý thuyết khối không thời gian.
Một người sống trên mặt đất trong khối không gian ba chiều: chiều rộng, chiều ngang và chiều cao. Để xác định vị trí chính xác của một người đó, cần biết được thời gian nhất định của người đó.
Ví dụ, một người đàn ông đang đứng ở ngã tư đường Puttin và đại lộ Biden lúc 2 giờ sáng. Thông tin như vậy mới đầy đủ để xác định vị trí. Thời gian là chiều thứ tư. Gọi chung khối 4 chiều này là khối ‘không gian-thời gian’.
Chúng ta có thể thấy sự ứng hợp, trong cặp vợ chồng, mỗi người có mỗi khối không gian-thời gian riêng. Khi kết hôn, khối không gian-thời gian của họ chồng chéo lên nhau về mặt thể lý. Nhà thơ Bùi Giáng có câu rất đúng: một thân dù bốn tay bốn chân. Về chuyện tinh thần thì phải là một đầu, dù bốn tay, bốn chân.
Ông Einstein đã khám phá ra, khối không gian-thời gian có thể bị bẻ cong bởi một năng lượng mạnh mẽ. Ví dụ, tia sáng bị bẻ cong khi đi vào khí quyển và vùng hấp lực của trái đất. Cũng vậy, có những kỷ niệm đẹp trong quá khứ có thể chiếu vào tương lai, để khiến cho tương lai càng ngày càng đẹp hơn.
Nguyên tắc tự nhiên, thể hiện qua thế giới các hạt lượng tử, cho thấy phải có một lối sống đúng đắn. Một mẹo đơn giản nhất là, vợ chồng cần sống lại được cái đẹp của tình yêu ngày xưa, hoặc có chung một mục tiêu trong tương lai, thì sẽ hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại này.
Bây giờ, cùng vợ cùng chồng, sao không bao giờ tát cạn biển Đông?
Dù khóc mưa, cười nắng,
dù đất cay trời đắng,
dù thảm họa,
dù thăng trầm,
nhưng nếu đôi ta có:
bốn cái chân, một thân hình,
bốn cánh tay, một cái đầu.
hai trái tim
sẽ không bao giờ xa nhau … (3)
Chú thích:
(1) Anh lùa bò vào đồi sim trái chín. Thơ Bùi Giáng.
(2) Chinh Phụ Ngâm. Tác giả: Đặng Trần Côn. Bản dịch: Nguyễn Nghiễm, Đoàn thị Điểm.
(3) Trích nhạc của Ngu Yên: “Bí Mật Của Nụ Cười.”
Góp ý tác giả: +84344331741 (phone, Whatsapp, Signal), gặp ông Tôn Phi.
Trợ lý: tonthanck@gmail.com.